Giai đoạn II của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) (2014-2018) sẽ được thực hiện với tổng kinh phí dự kiến khoảng 10 triệu Euro.
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo: Từ chiến lược tới thực hiện, do Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Phần Lan tổ chức từ ngày 23 - 24/10/2013.
Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevirta cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia; đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, IPP là chương trình ODA đầu tiên thí điểm thực hiện hỗ trợ đối với hoạt động phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Chương trình IPP là nỗ lực của hai Chính phủ Việt Nam - Phần Lan nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ thống ĐMST quốc gia tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với nền kinh tế tri thức và hệ thống đổi mới quốc gia hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tăng cường hiệu quả mối liên kết giữa 3 nhà: nhà nghiên cứu - nhà doanh nghiệp - nhà quản lý; thúc đẩy sáng tạo, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; hình thành, phát triển các doanh nghiệp KH&CN.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, Diễn đàn là cầu nối để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp hai nước xích lại gần và hiểu nhau hơn. Từ đó, mở ra các hợp tác mới trong tương lai giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, cũng như thắt chặt mối quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Phần Lan, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
“Tương lai của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo, làm sao để khối doanh nghiệp có khả năng tạo ra được những giải pháp mới bước vào thị trường. Chúng ta cần nhiều tri thức về khoa học, nghiên cứu và giáo dục để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu mà các doanh nghiệp cần phải có trong xu thế toàn cầu hóa. Để phải tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, cần tập trung vào các doanh nghiệp có tính đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu thành công trên trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Việc thương mại hóa thành công các giải pháp mới sẽ góp phần vào sự phát triển tri thức, nền kinh tế thông minh với các ngành nghề mới, sự tăng trưởng bền vững và tăng mức an sinh xã hội tại Việt Nam. “Cùng với Chương trình IPP, các chương trình của Bộ KH&CN sẽ tiếp tục mở rộng quy mô của hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhiều loại hình doanh nghiệp, viện nghiên cứu”, Bộ trưởng khẳng định.
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevirta cho biết: IPP là một trong những chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tiên do Chính phủ Phần Lan thực hiện trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trên thế giới. Chương trình được thực hiện ở Việt Nam, Nam Phi, Tanzania, Mozambic và một số nước ở Châu Âu. Hiện nay mối quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam - Phần Lan đang dần chuyển hướng đến các lĩnh vực thương mại. IPP sẽ là nhân tố ĐMST được kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa 2 nước. Các đối tác, tổ chức ĐMST của Việt Nam sẽ có mối liên kết chặt chẽ hơn với nền tri thức toàn cầu, cùng với đó là sự tăng trưởng chất lượng, hiệu quả ĐMST trong chuỗi giá trị.
Giai đoạn I của Chương trình được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2013 với ngân sách hoạt động trên 7 triệu Euro (trong đó 89% do Phần Lan tài trợ) dưới sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan. IPP đã và đang hỗ trợ hơn 60 dự án trong 4 hợp phần: phát triển năng lực thể chế; xây dựng năng lực ĐMST; hỗ trợ các sáng kiến, dự án ĐMST của doanh nghiệp; hợp tác Việt Nam - Phần Lan.
Chương trình đã góp phần khơi dậy hoạt động ĐMST từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, đã tập trung hỗ trợ các cơ quan quản lý của Bộ KH&CN, Sở KH&CN các địa phương hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản lý hoạt động KH&CN, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt, IPP đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp - lực lượng nòng cốt trong sáng tạo, đổi mới công nghệ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có nhiều đề xuất mang tính ĐMST cao, có giá trị đối với cộng đồng.
Tại Diễn đàn, các hoạt động như Hội thảo Ngày đổi mới và nhiều vấn đề khác được đặt ra tại chương trình thảo luận bàn tròn như: quản lý các chương trình quốc gia, các công cụ tài trợ đổi mới, thúc đẩy đổi mới trong khu vực, hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước… sẽ tạo ra một cuộc đối thoại cởi mở, đưa các chiến lược cũng như ý tưởng, kinh nghiệm trong ĐMST thành hành động thực tiễn nhằm nâng cao hiểu biết về quản lý ĐMST, tạo cơ hội để doanh nghiệp, nhà khoa học hai nước tìm được cơ hội hợp tác phù hợp,…
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự, Diễn đàn thực sự là một cuộc đối thoại cởi mở, đưa các chiến lược cũng như ý tưởng, kinh nghiệm trong ĐMST thành hành động thực tiễn nhằm nâng cao hiểu biết về quản lý ĐMST, thúc đẩy thực hiện các chiến lược ĐMST quốc gia; tạo cơ hội để doanh nghiệp, nhà khoa học hai nước tìm được cơ hội hợp tác phù hợp, đồng thời tạo tiền đề để tiến tới triển khai giai đoạn II của Chương trình với thành công hơn nữa.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN