SpStinet - vwpChiTiet

 

Quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và môi trường hướng đến tăng trưởng xanh

Đó là chủ đề của Hội nghị Khoa học và Công nghệ lần thứ 3 do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức ngày 18/11. Hội nghị được tổ chức định kỳ hai năm một lần, nhằm cập nhật, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về những nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

Với hơn 500 báo cáo khoa học được gửi đến, hội nghị đã tập trung vào các vấn đề nóng của môi trường hiện nay như rác thải sinh hoạt – các vấn đề về công nghệ xử lý và quản lý; quy hoạch, bảo vệ tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); vấn đề cung cấp nước của TP.HCM và hướng giải quyết; đánh đổi kinh tế - môi trường và các vấn đề trong khai thác sử dụng tài nguyên;… cùng nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn như khảo sát khả năng xử lý nước của than hoạt tính điều chế từ vỏ trấu; nghiên cứu hóa chất từ phế phẩm lõi ngô xử lý nước vùng ĐBSCL; nghiên cứu khả năng đuổi muỗi của kem bôi làm từ tinh dầu sả;…

Theo PGS. TS Nguyễn Đình Tuấn (Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu là những vấn đề đáng lo ngại do sự phát triển kinh tế, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước gây ra. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học về các vấn đề này trong các trường đại học hiện nay chưa được đẩy mạnh, chưa tham gia được vào nhiều các chương trình đột xuất, quan trọng của đất nước. Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu cụ thể về sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và môi trường bằng cách gắn kết nó với các lợi ích kinh tế, xã hội, với việc bảo tồn, quản lý và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đất nước.
 

Thảo luận tại phiên toàn thể của hội nghị. Ảnh: LV.
 
Trong báo cáo tham luận về môi trường biển, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, thời gian qua, đã có nhiều nghiên cứu có chất lượng về vấn đề này. Tuy nhiên, những nghiên cứu về môi trường biển hiệu quả ứng dụng chưa cao, nghiên cứu chủ yếu ở ven bờ, nội dung nghiên cứu còn thiếu chiều sâu và dàn trải. Các nghiên cứu cơ bản là chính, chưa phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội và chưa đủ năng lực để ứng phó với những tình huống bất thường hoặc đột xuất. Nguyên nhân của tình trạng này là Việt Nam chưa có một chiến lược phát triển về KH&CN biển, cơ sở hạ tầng yếu kém, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ cán bộ mỏng, trình độ hạn chế,…

Tại hội nghị, hơn 40 báo cáo khoa học đã được trình bày ở 5 phân ban, gồm: quản lý môi trường và kỹ thuật môi trường; quản lý đất đai, kinh tế tài nguyên thiên nhiên và môi trường, hệ thống thông tin và viễn thám; khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; trắc địa bản đồ, địa chất và chế biến khoáng sản; vật liệu mới và năng lượng tái tạo, tài nguyên nước, biển và hải đảo.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả