"UBND tỉnh Đồng Nai, các bộ ngành, nhà khoa học đã có ý kiến dừng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A rất nhiều rồi. "
Bản đồ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, kiêm Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển tỉnh chia sẻ với Đất Việt sau khi tỉnh này gửi tiếp một văn bản kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ về việc dừng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
"Nói như thế đủ rồi..."
Theo ông Trí, đến lúc này lãnh đạo tỉnh và nhân dân Đồng Nai chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng và sẽ không bàn thêm gì nữa, dù rằng các nhà khoa học có gợi ý sẽ tổ chức một cuộc đánh giá lợi – hại từ hai dự án này có các bên cùng tham gia gồm: Đồng Nai, chủ đầu tư, chuyên gia và Chính phủ.
Ông Trí khẳng định, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai được thể hiện rất rõ trong các văn bản của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh gửi Ban Bí thư, Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị dừng triển khai dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A.
Việc dừng triển khai 2 dự án trên phù hợp với Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục có văn bản kiến nghị một số nội dung cụ thể gồm:
Xem xét lại tính pháp lý của 2 dự án; rà soát, đánh giá lại quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai một cách hợp lý; đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, cụ thể, khách quan thông qua một cơ quan tư vấn độc lập không phụ thuộc vào đơn vị lập dự án đầu tư;
Tham vấn một cách chính xác, đầy đủ cộng đồng vùng hạ du và nghiên cứu về động đất kích thích, không để lặp lại bài học của Thủy điện Sông Tranh 2 và Thủy điện Đắc Krông 3.
Trái với quan điểm của tỉnh cũng như các nhà khoa học xác định 2 dự án thủy điện này có thể ảnh hưởng đến 3 triệu dân của tỉnh, hàng chục triệu dân ở TP. HCM và các tỉnh hạ lưu sẽ bị mất rất nhiều về nguồn nước, môi trường sinh thái…chủ đầu tư lại lý giải rằng, hai thủy điện này làm theo kiểu đập dâng (không phải thủy điện hồ chứa), trả nước lại cho dòng sông ngay sau đập nên không gây đoạn sông chết.
Thủy điện sử dụng turbin Kaplan có khả năng phát điện với cột nước thấp, thậm chí với dòng chảy nhỏ hơn dòng chảy thấp nhất ở mùa kiệt hiện tại, nên có thể hoạt động 24/24 và không làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ở hạ lưu.
Câu chuyện này cứ quăng đi, đá lại đã 6 năm qua. Tới ngày 27/6 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu báo cáo về tình hình hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã nhắc Bộ Tài nguyên Môi trường đốc thúc chủ đầu tư báo cáo bổ sung. "Đánh giá tác động môi trường được hay không thì cũng kết luận dứt điểm cho xong, không để thời gian kéo dài".
Theo ông Trí, từng đó thời gian (6 năm trời), qua nhiều lần chỉnh sửa, làm đi làm lại nhiều lần, đến nay bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ dự án vẫn thể hiện còn nhiều sai sót, chưa được Bộ TN-MT phê duyệt trình Thủ tướng xem xét, quyết định cũng đã thể hiện nhiều điều rồi.
Mở đường vào khảo sát mà không có ý kiến chủ nhà là sai!
Trước đó, ngày 9/5/2013, Ban Quản lý Khu dự trữ Sinh quyển tỉnh Đồng Nai có Công văn số 41/BC-BQLKDTSQDN gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Quốc hội và các bộ ngành liên quan, nêu các tác động tiêu cực của dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A.
Sau đó, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai có Công văn 204/ĐLGL-TĐ ngày 25/5/2013 gửi UBND tỉnh Đồng Nai phúc đáp các ý kiến về dự án này.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai và các nhà chuyên môn đánh giá, nội dung văn bản này đưa ra nhiều số liệu không đúng với thực tế và có nhiều vấn đề chưa được làm rõ.
Cụ thể, Công ty Đức Long vẫn khẳng định dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A đều nằm ngoài phạm vi Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Theo ông Trí, điều này không đúng. Trên sơ đồ vị trí thủy điện Đồng Nai 6, 6A thể hiện đều nằm trong vùng lõi của VQG Cát Tiên. Trong đó, Thủy điện Đồng Nai 6 thuộc tiểu khu 506, còn thủy điện Đồng Nai 6A thuộc tiểu khu 497, do VQG Cát Tiên quản lý.
Theo Luật Di sản văn hóa, vùng lõi là khu vực bảo vệ 1 được nhiều văn bản pháp luật quy định là khu bất khả xâm phạm. 137 ha của 2 dự án này dự kiến xây dựng đều nằm trong vùng lõi - khu vực bảo vệ 1 của VQG Cát Tiên.
"Theo Luật là bất khả xâm phạm nhưng nhiều năm qua nhân danh chủ đầu tư, Công ty Đức Long đã mở đường, ra vào khảo sát tại đây mà không được sự đồng ý của chủ nhà là sai. Nhất là thời điểm hiện nay chưa có cơ quan thẩm quyền nào phê duyệt đầu tư 2 dự án này", ông Trí nói.
GS. TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng, vấn đề còn lại là Chính phủ, vì trong nhiều năm qua phía chủ đầu tư và phía các nhà khoa học đã đưa ra nhiều lý lẽ phản bác nhau mà thông tin đại chúng đã nêu rất rõ. Những số liệu thiệt hại cũng như được lợi do 2 thuỷ điện đó gây ra tất cả đã biết. "Nếu quyết cho làm dự án thì những lý lẽ bảo vệ Vườn quốc gia của các nhà khoa học nhiều năm qua là không thành công", GS. Hồng e ngại.
Nguồn: Báo Đất Việt