SpStinet - vwpChiTiet

 

Công nghệ mới sản xuất nước ngọt từ nước biển, nước nhiễm mặn, nhiều phù sa

Ngày 24/3, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) phối hợp với Công ty TNHH Môi trường Việt Thái Sinh tổ chức hội thảo giới thiệu “Giải pháp tách phù sa, lọc nước biển và nước nhiễm mặn thành nước ngọt”. Ưu điểm của giải pháp là công nghệ thiết bị hiện đại, nhỏ gọn, lắp đặt và vận hành đơn giản, đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT, thích hợp sử dụng trên các tàu thuyền hoặc tại các vùng duyên hải, hải đảo, khu vực xâm nhập mặn theo mùa,… góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt do hạn hán và xâm nhập mặn ở nhiều tỉnh thành hiện nay.

Giải pháp này ứng dụng thiết bị lọc nước biển, nước nhiễm mặn thành nước ngọt bằng công nghệ thẩm thấu ngược màng RO (Reverse Osmosis) do tập đoàn hàng đầu về thiết bị lọc Parker (Mỹ) sản xuất. Nguyên lý hoạt động của màng RO là bơm áp lực cao đẩy nước mặn qua màng, với tính năng thẩm thấu ngược, màng RO chỉ cho nước nguyên chất đi qua, muối và các tạp chất được loại bỏ ra ngoài.


Ông Lê Văn Quang giới thiệu máy lọc nước biển thành nước ngọt. Ảnh: LV.
 
Ông Lê Văn Quang (Giám đốc Công ty Việt Thái Sinh) chi biết, màng RO sử dụng cho lọc nước ngọt và nước mặn trên thị trường hiện khá phổ biến, nhưng màng cho nước lợ thì còn hạn chế, chưa có nhiều hãng đầu tư sản xuất. Việt Thái Sinh hiện là đại lý phân phối chính thức máy chuyên dụng lọc nước lợ của hãng Parker, Mỹ tại Việt Nam. Máy lọc dùng để xử lý các nguồn nước bị nhiễm mặn như nước giếng khoan, nước sông, hồ,… với tính năng lọc trực tiếp nước lợ thành nước ngọt sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt. Thiết bị phù hợp cho các khu resoft, nhà hàng, khách sạn, hải đảo, hộ dân, các vùng không có nguồn nước ngọt để sinh hoạt, ăn uống, tưới tiêu hoặc nuôi trồng. Máy có nhiều loại công suất, đáp ứng mọi nhu cầu, từ 65 lít/giờ đến 20m3/giờ hoặc 1,6m3 đến 150m3/ngày; có chế độ tự động súc rửa lại màng bằng nước ngọt nên tuổi thọ của màng có thể lên đến 5 năm.
 

Trình diễn công nghệ lọc nước mặn thành nước ngọt tại hội thảo. Ảnh: LV.
 
Với máy lọc nước biển, màng lọc có khả năng lọc độ mặn lên đến 50.000 ppm, khả năng tách muối đạt 99,4%. Sản phẩm cũng có nhiều dòng thiết bị đáp ứng nhiều loại công suất từ 644 lít đến 1.200 m3/ngày.

Máy tách phù sa dùng công nghệ ly tâm với khả năng tách trực tiếp các loại chất rắn lơ lửng như cát, phù sa, cặn, bùn; loại bỏ tạp chất với kích thước từ 25 micron trở lên, không sử dụng hóa chất gây ô nhiễm môi trường, không phải súc rửa, tự động thải chất rắn. Thiết bị tách phù sa có khả năng loại bỏ 98% tạp chất rắn lơ lửng khi nguồn nước đi qua hệ thống. Sản phẩm có nhiều loại công suất, từ 700 lít/giờ đến 2.895 m3/giờ, sử dụng phù hợp từ quy mô hộ gia đình cho đến quy mô công nghiệp.

Qua triển khai ứng dụng cho thấy, các thiết bị này vận hành êm ái, ổn định, dễ sử dụng, giúp tiết kiệm diện tích, tiết kiệm điện năng và dễ di chuyển; độ bền cao, dễ dàng thay thế bảo trì. Chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn quy định, có thể sản xuất nước chất lượng đạt chuẩn tinh khiết.
 

Một số đại biểu tại hội thảo uống thử nước sau khi được máy đã lọc. Ảnh: LV.
 
Việt Thái Sinh đã triển khai thành công nhiều hệ thống lọc nước lợ tại Giồng Trôm, Chợ Lách, Bình Đại, Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre); tại các Hội chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh; các bệnh viện huyện, trạm y tế xã tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang,… Ngoài ra, Việt Thái Sinh cũng lắp đặt nhiều máy lọc nước biển cho các tàu đánh bắt xa bờ ở Bình Thuận, Long Hải, Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Định,… và các tàu chuyên dụng của các nhà máy đóng tàu tại các tỉnh, thành trên cả nước. Chi phí lắp đặt trọn gói thiết bị lọc nước biển trên ghe, tàu vào khoảng 100 triệu đồng, công suất 80 lít/giờ, bảo hành 12 tháng. Chủ tàu chỉ việc sử dụng mà không phải đầu tư thêm thiết bị nào.
 

Máy lọc nước lợ (nhiễm măn) thành nước ngọt. Ảnh: LV.
 
Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi và quan tâm nhiều về các tính năng ứng dụng, kỹ thuật của sản phẩm, đặc biệt là tính phù hợp thực tế tại các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Quang, Đồng bằng sông Cửu Long vừa gánh chịu đợt hạn, mặn lịch sử, khốc liệt nhất trong hơn 100 năm qua. Thực tế này ảnh hưởng năng nề đến đời sống sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt,… của người dân nơi đây. Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng, việc triển khai các giải pháp xử lý nước phù hợp cho các khu vực bị nhiễm mặn, lọc trực tiếp nước biển, nước lợ thành nước ngọt, giúp người dân có thể chủ động nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, đủ tiêu chuẩn và đảm bảo vệ sinh là rất cần thiết.

Việt Thái Sinh sẵn sàng hợp tác với các đơn vị tại địa phương nhằm ứng dụng công nghệ này một cách phù hợp. Cụ thể, sắp tới công ty có hướng hợp tác với các nhà máy nước ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh,… triển khai chạy demo, ứng dụng thử nghiệm để vừa chia sẻ chi phí, vừa có thể kiểm chứng hiệu quả trước khi lắp đặt sử dụng. Quan điểm của Việt Thái Sinh là làm sao đưa được giải pháp công nghệ phù hợp giúp người dân xử lý hạn mặn, nếu công nghệ giá rẻ mà không sử dụng được hoặc sử dụng không ổn định thì vẫn là mắc, ông Quang chia sẻ.

Theo bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI), sản phẩm công nghệ đang được Việt Thái Sinh triển khai ứng dụng là một trong những giải pháp phù hợp nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. CESTI, với chức năng hỗ trợ, kết nối các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, sẽ tổ chức các hội thảo và nhiều hoạt động khác nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới vào cuộc sống; các yêu cầu kết nối chuyên sâu với các nhà cung ứng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu doanh nghiệp cũng sẽ được CESTI hỗ trợ. Qua hội thảo, Việt Thái Sinh có thể tiếp tục nghiên cứu những giải pháp hoàn thiện để sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi hơn, tham gia giải quyết các vấn đề bức thiết tại các địa phương, đơn vị.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả