Ông Denis Croze - Giám đốc Văn phòng Singapore của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - cho rằng, bảo hộ quyền SHTT là chỉ dấu phản ánh chất lượng hoạt động của doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển hiện nay, tài sản SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với DN bởi nó góp phần tạo ra giá trị gia tăng, lợi nhuận, uy tín thương hiệu... Những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về SHTT theo các cam kết quốc tế, khuyến khích các DN thực hiện đăng ký bảo hộ quyền SHTT cả ở trong và ngoài nước. Từ năm 2012, xếp hạng của Việt Nam về bảo hộ SHTT đã ngày càng tiến bộ và đến nay đã xếp thứ 45 trên thế giới.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển khá năng động, song do có xuất phát điểm thấp nên cũng đang gặp phải những thách thức khi hội nhập quốc tế, trong đó có vấn đề về bảo hộ quyền SHTT. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét: Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có những FTA thế hệ mới, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế đang phát triển tiếp cận luật chơi thương mại tự do tiêu chuẩn cao nhất toàn cầu. Bao trùm hầu hết các FTA thế hệ mới, Việt Nam tham gia đều cam kết về bảo hộ quyền SHTT. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của các hiệp ước quốc tế liên quan đến SHTT như Hiệp ước Pari, công ước Bern, công ước Rome, Công ước Stockhom… và đang thực hiện các bước để gia nhập Công ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT: Hội thảo “Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức, khẳng định một sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả giữa Cục SHTT với WIPO, VCCI, Hội SHTT Việt Nam (VIPA), Hiêp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA), trong việc hỗ trợ các DN Việt Nam bảo vệ và quản lý hiệu quả quyền sở hữu công nghiệp không chỉ ở thị trường Việt Nam mà cả ở trên thị trường thế giới. |
Việt Nam đã cam kết thực thi luật pháp quốc tế về SHTT, các DN Việt Nam không chỉ phải tôn trọng quyền SHTT của các DN trên thế giới, mà cần phải quan tâm đến việc bảo vệ tài sản SHTT của mình. Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, sự quan tâm của các DN Việt Nam bảo hộ SHTT, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu là còn rất hạn chế. Trong khi các DN nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, họ rất quan tâm đến bảo hộ SHTT, các DN Việt Nam lại không quan tâm nhiều đến việc này. Do không thực hiện bảo hộ SHTT, nhiều DN Việt Nam đã phải trả giá rất đắt vì mất thương hiệu, nhãn hiệu vào tay thương gia nước ngoài.
Thực tế đã cho thấy, nhiều nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam nổi tiếng đã bị các thương gia nước ngoài đánh cắp và tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài để sử dụng cho hàng hóa của họ lưu thông trên thương trường quốc tế, có thể kể đến như: Kẹo dừa Bến Tre; Cà phê Trung Nguyên; Cà phê Buôn Ma Thuột; Nước mắm Phú Quốc; Sản phẩm Vifon… Khi các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành các biện pháp đòi lại gặp rất nhiều gian nan, thậm chí trong nhiều trường hợp không thể đòi lại được.
Hội nhập sâu rộng, thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng mở rộng, đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa cả trong và ngoài nước sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của hàng hóa và DN Việt Nam. Tiếp thị thành công một sản phẩm hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới, cũng là tiếp thị thành công một thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cần phải quan tâm đến bảo hộ quyền SHTT. Ở một góc độ khác, bảo hộ hiệu quả quyền SHTT cũng là một biện pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tránh bị lừa đảo mua phải hàng giả, hàng nhái đội lốt thương hiệu, nhãn hiệu uy tín.
Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), đây là một FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cam kết rất cao. Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong EVFTA là vấn đề cam kết bảo hộ quyền SHTT. Đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu là một yêu cầu rất cần thiết đối với các DN Việt Nam. Bảo hộ pháp lý đối với các quyền SHTT ở trong và ngoài nước sẽ góp phần giúp các DN Việt Nam tiếp cận thị trường EU hiệu quả hơn. Hiện nay, đã có một số hệ thống đăng ký quốc tế về bảo hộ SHTT được thiết lập như hệ thống đăng ký nhãn hiệu theo Thỏa ước thương mại Madrid, hệ thống đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo Công ước La Hay… có thể đăng ký rất thuận lợi để bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp trên các thị trường quốc tế. Nắm vững được phương thức vận hành, sử dụng thành thạo, hiệu quả các hệ thống này để đăng ký bảo hộ hiệu quả quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu… ở thị trường nước ngoài là việc các DN Việt Nam nên làm.
Ngọc Quỳnh