Xây dựng 500 mô hình điểm về cải tiến năng suất và chất lượng
01/03/2012
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 22/2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 225/QĐ-TTg phê duyệt Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Dự án được thực hiện trong 10 năm từ 2011-2020, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Đây là dự án mang tính nền tảng và là cơ sở để hỗ trợ triển khai các dự án nâng cao năng suất và chất lượng tại các tỉnh/thành phố và các bộ ngành.
Dự án bao gồm các nhiệm vụ chính sau đây:
- Phổ biến, nâng cao kiến thức về năng suất và chất lượng cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và người lao động;
- Đào tạo nguồn nhân lực về năng suất và chất lượng;
- Xây dựng 500 mô hình điểm về cải tiến năng suất và chất lượng và hỗ trợ nhân rộng mô hình điểm tại 10.000 doanh nghiệp;
- Thiết lập hệ thống chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hệ thống đo lường năng suất các ngành kinh tế, năng suất doanh nghiệp và năng suất yếu tố tổng hợp TFP của nền kinh tế…
Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” có 9 dự án. Hai dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì là Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” và Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai. Các dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực thuộc các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế và Dự án “Nâng cao năng suất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương” hiện đang trong quá trình phê duyệt/lập kế hoạch triển khai.
Thúc đẩy nâng cao năng suất tại doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết đối với phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Với mức năng suất lao động năm 2010 chỉ đạt 2.072 USD/người lao động, thấp hơn rất nhiều lần so với các quốc gia trong khu vực, đã làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Kết quả xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về cải tiến năng suất và chất lượng của Dự án là cơ sở quan trọng để thúc đẩy áp dụng rộng rãi các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng tại tất cả doanh nghiệp trong cả nước.
Trung tâm Năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được giao đầu mối phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch và đề xuất các bước triển khai thực hiện Dự án.
Nguồn: Vụ Pháp chế