SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu sản xuất vắcxin 6 trong 1: Vẫn là thách thức

Vắcxin 6 trong 1 do Việt Nam sản xuất được đặt mục tiêu sẽ trở thành thương phẩm đưa vào sử dụng trong năm 2020. Tuy nhiên cho đến nay, việc nghiên cứu bào chế vắcxin này vẫn là một thách thức.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Vắcxin Việt Nam, phát triển và hội nhập” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
 
Nhờ tiêm chủng, 6,7 triệu trẻ em Việt Nam đã được bảo vệ khỏi 5 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắcxin. Ảnh: Loan Lê
 
Tự túc 10/11 loại vắcxin
 
2015 được coi là năm thành công của ngành vắcxin Việt Nam, bởi sau hơn 13 năm chúng ta đã chính thức có một cơ quan quản lý chất lượng vắcxin của Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong rất ít quốc gia có thể tự túc 10/11 loại vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trở thành một trong hai nước ASEAN có nền sản xuất vắcxin hàng đầu và đứng thứ 39 trên thế giới.
 
Nói về tác động đối với sức khoẻ, kinh tế - xã hội của việc tiêm chủng vắcxin phòng bệnh, GS.TS. Phạm Ngọc Đính - chuyên gia Viện Vệ sinh - Dịch tễ Trung ương - cho biết tại hội thảo: Nhờ triển khai tiêm chủng mở rộng trong 30 năm qua, ước tính Việt Nam đã bảo vệ cho khoảng 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc 5 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắcxin là uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà và bại liệt, đồng thời tránh được 42.900 ca tử vong do các bệnh này. Thông qua việc triển khai thành công chương trình tiêm chủng mở rộng và các chương trình y tế khác, Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi (giảm từ 5,8% vào năm 1990 xuống còn 2,33% vào năm 2012), góp phần tiến tới đạt mục tiêu thứ tư của thiên niên kỷ vào năm 2015 (giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi so với năm 1990).
 
Các thành tựu lớn khác của chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam trong 30 năm qua là: Thanh toán bệnh bại liệt polio năm 2000; loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2005; khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi, viêm gan B, bạch hầu và ho gà.
 
Tuy nhiên, theo GS Đính, hiện vẫn chưa xác định được tỷ lệ trẻ em được tiêm vắcxin ở Việt Nam (trên thế giới, tỷ lệ này là 1/5, nghĩa là trong 5 trẻ em thì có một trẻ được tiêm vắcxin phòng bệnh). GS. Đính cho biết, thực tế trong năm 2015 số trẻ chưa được tiêm vắcxin ở ngay thủ đô Hà Nội vẫn còn rất nhiều. Tình trạng khan hiếm vắcxin 5 trong 1, 6 trong 1 tiêm dịch vụ khiến nhiều người dân nghĩ tới việc mua vắcxin “xách tay” hoặc đưa con sang nước ngoài tiêm phòng.
 
Chủ động công nghệ để thích ứng diễn biến dịch
 
Hiện nay, Việt Nam có bốn đơn vị nghiên cứu và sản xuất vắcxin với trang thiết bị và công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể sản xuất được 12 loại vắcxin. Nhà nước cũng chú trọng và đầu tư khá lớn cho khoa học và công nghệ (KH&CN) sản xuất vắcxin, bao gồm cả nghiên cứu, ngân sách và cơ chế chính sách.
 
Tuy vậy, theo đánh giá của TS. Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN, mặc dù KH&CN của Việt Nam trong những năm qua đã có rất nhiều bước phát triển vượt bậc - đặc biệt trong ngành y - dược, nhưng vẫn còn thua kém nhiều nước. Trong đó, khó khăn lớn nhất là sự phối hợp giữa các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Các đơn vị chưa có sự kết hợp để nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm chất lượng và an toàn nhất.
 
Với ngành sản xuất vắcxin - theo TS. Nguyễn Văn Liễu, vấn đề nghiên cứu ứng dụng công nghệ ở trình độ cao để có thể chủ động cung ứng từng loại vắcxin đang là một thách thức. “Nếu dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng thay đổi về trục lây bệnh, mình cần hoàn toàn chủ động về công nghệ để tiếp tục tạo những chủng giống vắcxin mới và thích ứng những điều kiện bùng phát dịch bệnh mới. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư hơn nữa về nhân lực và cơ sở vật chất để chủ động trong hoạt động nghiên cứu và chủ động trong việc tạo chủng giống” - TS. Liễu nói.
 
Tự cung cấp vắcxin 6 trong 1 là một mục tiêu quan trọng của ngành y tế Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến vào năm 2017-2018, Việt Nam sẽ hoàn thành việc nghiên cứu và sản xuất vắcxin 6 trong 1 và đến năm 2020, vắcxin thương phẩm sẽ được sản xuất thành công và đưa ra sử dụng.
 
Hiện nay, việc nghiên cứu vắcxin 6 trong 1 vẫn là một thách thức đối với Bộ Y tế. Nhưng ông Nguyễn Thanh Long tin rằng với sự chỉ đạo mạnh mẽ của cơ quan quản lý , sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa giữa các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu KH&CN và các doanh nghiệp sản xuất vắcxin, sản phẩm sẽ thành công. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, sản phẩm vắcxin 6 trong 1 của Việt Nam khi ra đời chắc chắn đảm bảo chất lượng, có sự công nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Nguồn: khoahocphattrien.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả