SpStinet - vwpChiTiet

 

Viện trường cũng có thể góp vốn đầu tư cùng doanh nghiệp

Là một trong những thông tin được chia sẻ tại sự kiện Kết nối ý tưởng (kỳ 2) "Công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân gia súc", do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức ngày 14/10 vừa qua.

Phân hữu cơ vi sinh hiện đang có nhu cầu rất lớn trong sản xuất nông nghiệp vì góp phần vào việc xây dựng các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Sự kiện Kết nối ý tưởng với chủ đề “Công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh” đã tạo điều kiện cho 7 nhà cung ứng đối thoại trực tiếp cùng 6 doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp công nghệ.

Phát biểu tại sự kiện, bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) cho biết, Kết nối ý tưởng lần này xuất phát từ những nhu cầu cụ thể từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất phân bón gửi đến CESTI (tìm kiếm công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho phép giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi). Thông tin về các yêu cầu công nghệ đã được CESTI công khai trên trang web http://cesti.gov.vn, Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Techport.vn), và gửi trực tiếp đến các nhà cung ứng công nghệ đang tham gia Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM.

Doanh nghiệp nêu nhu cầu công nghệ tại sự kiện Kết nối ý tưởng.

Trước nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp (xử lý nguồn phân heo với khối lượng trung bình 200 tấn/ngày, có thể phát sinh lên 600 tấn/ngày để sản xuất phân vi sinh; có thể nhận chuyển giao công nghệ hoặc góp vốn và nhượng quyền kinh doanh sản phẩm đầu ra cho đối tác tham gia đầu tư,...), Viện Sinh học Nông nghiệp Tất Thành (Đại học Nguyễn Tất Thành) đã giới thiệu phương pháp tạo phân vi sinh, sử dụng bộ chủng vi sinh vật phong phú, có tính đặc hiệu cao để tạo ra các hợp chất kích thích sinh trưởng cây trồng, bộ chủng vi sinh vật này đã được dùng để xử lý phụ phẩm chế biến cá làm phân bón hữu cơ sinh học và tư vấn cho 2 nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân bò, bùn mía (Ninh Thuận) và từ phân gà đẻ (Long An).

Viện Công nghệ sinh học và Ứng dụng vi sinh miền Nam (SIAMB) tham gia giới thiệu các công nghệ oxy hóa không ngọn lửa kết hợp vi sinh vật và công nghệ vi sinh vật, cùng những thông tin về chi phí đầu tư, thời gian xử lý, diện tích đất,...để doanh nghiệp lựa chọn. Xử lý phân chuồng trại theo các công nghệ này có thể đạt từ 2.000-50.000 tấn/năm, dùng được các hệ thống máy móc vo viên đóng gói. Theo ThS. Bùi Hồng Quân (Viện trưởng SIAMB), SIAMB sử dụng nguồn vi sinh được phân lập, bảo quản, nhân giống và sản xuất thành phẩm hoàn toàn ở Việt Nam.

Theo PGS.TS. Dương Nguyên Khang (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ - Đại học Nông Lâm TP.HCM), sản xuất phân hữu cơ từ phân ruồi lính đen là rất thích hợp, do ít công đoạn phức tạp (có bí quyết công nghệ) và thời gian xử lý chỉ khoảng 20 ngày. Quá trình xử lý sinh học cũng không cần giải quyết mùi (của phân bò, phân heo hay phân gà). Trung tâm sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp theo phương thức BOT hoặc góp vốn đầu tư.

Việc trao đổi giữa những người có nhu cầu với những nhà khoa học sáng tạo ra công nghệ, gắn với bảo vệ môi trường là rất có ý nghĩa, cần được mở rộng thêm. Qua đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn các giải pháp khác nhau, để đạt hiệu quả theo nhu cầu.”, GS.TS. Nguyễn Quang Thạch (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhận xét.

Sau những trao đổi thẳng thắn, chi tiết về những giải pháp công nghệ được giới thiệu, các bên đã ký 5 biên bản ghi nhớ hợp tác, làm tiền đề cho các hoạt động thương thảo hợp tác, chuyển giao công nghệ sau này, trên cơ sở kết nối của Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM.

Tổng kết sự kiện, bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) cho biết, đứng trước nhu cầu chuyển giao công nghệ, nhà đầu tư cần rất nhiều thông tin từ các nhà cung ứng, tư vấn công nghệ và góp ý của các chuyên gia. Sau buổi kết nối ý tưởng này, CESTI sẽ tổ chức một số buổi trao đổi riêng, để các bên thương thảo sâu hơn các vấn đề công nghệ, chi phí và kế hoạch triển khai. CESTI sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp để ứng dụng thành công công nghệ vào hoạt động sản xuất.

Hoàng Kim (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả