Cuộc thi diễn ra theo 3 hội đồng. Tại hội đồng 1 (diễn ra sáng 13/3), có 5 giải pháp, sản phẩm trình bày trước hội đồng giám khảo, gồm: Xây dựng hệ thống trực tuyến quản lý hệ thống thoát nước, hệ thống công trình chống ngập phục vụ công tác chống ngập và thích ứng với hạ tầng cơ sở của thành phố thông minh tại TP.HCM (ứng dụng HCMGIS Platforms) – tác giả Nguyễn Việt Hưng; Ứng dụng công nghệ GIS mã nguồn mở, điện toán đám mây xây dựng hệ thống cảnh báo tình trạng ngập nước tại TP.HCM – tác giả Vũ Hoàng Thương; Ứng dụng sản phẩm GIS để quản lý sự cố của mạng lưới cấp nước – tác giả Nguyễn Văn Hiếu; Thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo, và phòng chống ngập cho TP.HCM – tác giả Bùi Hữu Phú; Ứng dụng GIS vào kinh doanh – tác giả Hồ Minh Thông.
Đại diện nhóm Ứng dụng sản phẩm GIS để quản lý sự cố của mạng lưới cấp nước thuyết trình tại hội đồng 1. Ảnh: LV.
Theo ông Nguyễn Việt Hưng, giải pháp nhóm đưa ra nhằm xây dựng và tổng hợp hệ thống cơ sở dữ liệu mạng lưới thoát nước trên địa bàn thành phố (được tích hợp vào hệ thống HCMGIS hiện có của thành phố) và chia sẻ cho các sở ban ngành của thành phố, phục vụ công tác quản lý, quy hoạch xây dựng đô thị, đặc biệt là công tác giảm ngập và hạn chế thiệt hại do ngập gây ra. Đồng thời xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến trên nền Web và WebApp trên nền di động (Android, IOS) nhằm giám sát và điều hành mạng lưới thoát nước, quản lý tài sản mạng lưới thoát nước, theo dõi tiến độ công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cống thoát nước, kênh rạch, hệ thống đê bao và hệ thống các công trình chống ngập; hỗ trợ người sử dụng tìm kiếm những thông tin về hệ thống cấp thoát nước, thông tin trực tuyến về tình trạng ngập úng, tình trạng thoát nước trên toàn hệ thống.
Ông Phạm Minh Thông cho biết, việc ứng dụng GIS vào kinh doanh của Cty CP cấp nước Trung An giúp cải thiện chất lượng dịch vụ cấp nước. Ví dụ ứng dụng trong công tác đọc chỉ số đồng hồ nước, thu tiền hóa đơn sử dụng nước, kiểm tra dịch vụ, sửa chữa sự cố và thay đồng hồ nước giúp giảm thời gian tác nghiệp của nhân viên (nhờ xác định được vị trí nhà khách hàng trong thời gian ngắn nhất, thông tin trực tuyến về tình trạng đọc số, thanh toán hóa đơn, chủ động sắp xếp hoặc xác định hướng di chuyển để kiểm tra dịch vụ khách hàng); hạn chế phản ánh từ khách hàng về tình trạng thu trùng hóa đơn, sự cố cung cấp nước tại Call Center,… Ngoài ra việc quản lý dữ liệu hiệu quả, khoa học theo hướng kết nối tập trung dữ liệu, thông tin được cập nhật tức thời, cập nhật quản lý dòng tiền thu trực tuyến; phù hợp với xu thế hiện nay là thanh toán điện tử, phát triển công nghệ thông tin.
Ông Bùi Hữu Phú (Công ty Nam Long) trình bày tại hội đồng 1. Ảnh: LV.
Với giải pháp thiết kế và xây dựng một trung tâm đo, giám sát, mô phỏng, cảnh báo và phòng chống ngập trên nền GIS cho TP.HCM, ông Bùi Hữu Phú (Công ty CP Công nghệ Nam Long) cho biết, mục tiêu nhằm triển khai thực hiện dự án và cung cấp đầy đủ thông tin phòng chống ngập lụt cho TP.HCM và các tỉnh thành khác giúp các đơn vị quản lý vận hành khai thác chủ động trong công tác phòng chống ngập lụt hiệu quả nhất; giúp người dân và người tham gia giao thông phòng chống ngập và lựa chọn đường đi tốt nhất giảm thiệt hại về người và tài sản. Trung tâm đo được phát triển hoàn chỉnh và có thể ứng dụng rộng rãi tại TP.HCM, với nhiều ưu điểm và tính năng ưu việt như: sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, hệ thống nhỏ gọn, độ chính xác đo độ ngập cao; có camera giám sát, đèn cảnh báo ngập và bơm hút ngập tự động hoạt động; cập nhật độ ngập real-time theo bảng màu trên nền GIS; có thể suy đoán ngắn hạn hay dài hạn mức ngập và mô phỏng trên GIS thuận tiện cho đơn vị vận hành và người sử dụng; giá thành rẻ (chỉ bằng 1/4 sản phẩm ngoại nhập).
Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TP.HCM 2018” gồm 2 nội dung là ứng dụng các nền tảng HCMGIS và giải pháp, sản phẩm GIS sáng tạo. Trong đó nội dung ứng dụng các nền tảng HCMGIS nhằm ứng dụng các nền tảng đã được Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (Sở KH&CN TP.HCM) phát triển và hoàn thiện (HCMGIS Portal, HCMGIS Maps, HCMGIS GeoSurvey, HCMGIS GeoReference, HCMGIS OpenData, HCMGIS StoryMaps) để giải quyết các bài toán thực tiễn trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị, kinh tế - văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, du lịch, an ninh quốc phòng,… Nội dung giải pháp, sản phẩm sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn của thành phố, xây dựng thành phố thành đô thị thông minh; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của thành phố. Các tiêu chí chấm điểm gồm tính mới, tính sáng tạo (30 điểm); tính khả thi (25 điểm); tính hiệu quả (25 điểm); tác động xã hội (20 điểm). Với mỗi nội dung, ban tổ chức sẽ chọn và trao giải đồng hạng cho 3 sản phẩm, giải pháp tốt nhất.
Được biết, sau vòng thuyết trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 nhóm giải pháp, sản phẩm đi vào vòng huấn luyện (diễn ra trong tháng 4/2019) và chọn 6 nhóm xuất sắc nhất để trao giải thưởng (dự kiến trong tháng 5/2019). Sau đó các nhóm sẽ được cấp vốn (tháng 6/2019) và hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm để đưa vào thương mại hóa. Các sản phẩm, giải pháp được vào vòng cấp vốn sẽ được Sở KH&CN TP.HCM xét chọn đầu tư với mức tối đa lên đến 2 tỷ đồng cho mỗi giải pháp, sản phẩm.