SpStinet - vwpChiTiet

 

VKIST: Làm theo nhu cầu của thị trường

Sáng 4/6, tại Hà Nội, Bộ KH&CN và Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) tổ chức Hội thảo giữa kỳ Dự án hợp tác xây dựng VKIST nhằm tổng kết tiến độ Dự án, cũng như giới thiệu tiềm năng đáp ứng thị trường của VKIST với nhiều đối tác viện trường, doanh nghiệp trong nước.

Theo báo cáo tại Hội thảo, VKIST đã xây dựng được bộ máy tổ chức, trong đó khối nghiên cứu R&D bước đầu hình thành. Dự án cũng hoàn thiện được 64% hạ tầng xây dựng. Tuy vậy, do có thay đổi về thiết kế, các hạng mục trang thiết bị nghiên cứu, phòng lab, hệ thống kết nối và tiện ích văn phòng mới chỉ đạt từ 10-50% kế hoạch. VKIST đã tuyển chọn được 29 cán bộ, nhân viên (từ bậc cử nhân tới tiến sĩ) trên mục tiêu 110 người đến hết năm nay.

VKIST sẽ cần nỗ lực hoàn thiện rất lớn để có thể khánh thành vào cuối năm 2020. Đây cũng là thời điểm dự án ODA trị giá 70 triệu USD này kết thúc. Sau đó, VKIST phải huy động các nguồn lực tài chính mới bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Để đáp ứng mô hình hoạt động chưa từng có tiền lệ trong nước, VKIST đang đệ trình một cơ chế quản lý tài chính mới (overhead system) cho phép tự chủ cao nhất với tất cả các nguồn doanh thu.

Là viện nghiên cứu ứng dụng theo hợp đồng đầu tiên, “VKIST đang là một mô hình thí điểm để áp dụng các chính sách phát triển KH&CN, từ đó có khả năng nhân rộng ra các hệ thống cơ sở nghiên cứu KH&CN khác trong cả nước”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh tại Hội thảo.

Những dự án phát triển thuốc Nam tiềm năng

Mặc dù vẫn trong quá trình xây dựng hạ tầng, nhưng VKIST đã bắt đầu triển khai một số nghiên cứu cụ thể. Theo TS. Kum Dong Hwa, Viện trưởng VKIST, các hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo của Viện sẽ gắn chặt với những công nghệ ứng dụng tập trung vào nhu cầu của thị trường và đồng hành với việc kinh doanh của các đối tác. Trong đó, VKIST đang ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, đặc biệt là lĩnh vực thảo dược, một thị trường tiềm năng.

TS. Phương Thiện Thương, trưởng phòng Công nghệ sinh học của VKIST, chia sẻ: “Các nghiên cứu về thảo dược của chúng tôi đi theo 3 hướng: Cải tiến các quy trình chiết xuất để có được hoạt chất cao hơn; cải tiến sản phẩm cuối cùng để tăng tác dụng và chất lượng; và phát triển các bài thuốc dân gian theo dạng bào chế hiện đại”. Anh giới thiệu 4 dự án nổi bật mà VKIST đang hợp tác với những công ty dược hàng đầu Việt Nam.

Đầu tiên là dự án hợp tác giữa VKIST và Viện Khoa học kỹ thuật Hàn Quốc (KIST) với Traphaco để cải tiến 2 sản phẩm của công ty là Hoạt huyết dưỡng não và Cebraton chiết xuất từ đinh lăng. Cả hai sản phẩm này đều đã có chỗ đứng trên thị trường với doanh thu trên 600 tỷ đồng/năm. Các nhà nghiên cứu đang phân tích tác dụng của dược chất từ đinh lăng tại phòng thí nghiệm KIST phân viện Gangneung, đồng thời nghiên cứu cải tiến hiệu quả quá trình chiết xuất và phát triển sản phẩm mới để bảo vệ mắt và mỹ phẩm từ đinh lăng.

Thứ 2, VKIST có một dự án hợp tác với Công ty cổ phần Nam Dược để cải tiến sản phẩm Diabetna có nguồn gốc từ dây thìa canh. Sản phẩm này đã có chỗ đứng hơn 10 năm trên thị trường, với doanh số khoảng 70 tỷ đồng/năm và chiếm khoảng 1/2 thị trường thảo dược điều trị đái tháo đường ở Việt Nam. Trước đây, saponis được xem là hoạt chất quan trọng của dây thìa canh, nhưng trên thực tế hàm lượng saponis trong cây rất nhỏ, khó có thể có tác dụng chính. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng tồn tại một loại hoạt chất khác có cấu trúc đơn giản hơn nhưng chiếm hàm lượng gần 10% là Conduritol A. Nhóm nghiên cứu của VKIST đang cùng công ty xác định lại hoạt chất của sản phẩm, phát triển quy trình chiết xuất mới có hiệu suất cao hơn và có khả năng phát triển dòng sản phẩm mới trong tương lai.

VKIST và KIST còn triển khai một dự án hợp tác với công ty cổ phần dược mỹ phẩm CVI Pharma để phát triển sản phẩm từ gấc, loại quả chứa β-Carotene và Lycopene cao gấp vài chục lần các loại quả khác, nhưng dễ bị oxy hóa nên rất khó bảo quản. Thế giới chủ yếu sản xuất lycopene từ quả cà chua, trong khi đó gấc Việt Nam với ưu điểm của mình lại chưa được khai thác hết. Các nhà nghiên cứu đang giúp CVI Pharma phân tích định lượng chất từ quả gấc, đồng thời phát triển phương pháp chiết xuất và bảo quản những hoạt chất trên.

Bên cạnh đó, VKIST đang cùng công ty cổ phần dược - vật tư y tế Thanh Hóa Thephaco cải thiện bài thuốc cổ truyền Hydan để trị đau nhức. Bài thuốc này gồm 3 dược liệu chính là hy thiêm, mã tiền và ngũ gia bì chân chim. Tuy nhiên, hoạt chất chính vẫn chưa được xác định và đang sử dụng phương pháp chiết xuất bằng nước. Các nhà khoa học đã tìm ra một ứng viên hoạt chất tiềm năng, đồng thời phát triển được phương pháp chiết xuất mới có hiệu suất gấp 5 lần so với hiện tại.

TS. Phương Thiện Thương cho biết trong giai đoạn này, VKIST còn khá mới và chưa đủ nguồn lực về dữ liệu, con người, cơ sở vật chất, nên các dự án đầu tiên chỉ lựa chọn những sản phẩm đã thành công trên thị trường để cải thiện. Tuy nhiên trong tương lai, khi VKIST xây dựng được điều lệ nội bộ về nghiên cứu, họ sẽ áp dụng những quy trình chặt chẽ hơn, bao gồm cả việc khảo sát thị trường cùng doanh nghiệp để lựa chọn những đối tượng phát triển hoặc chủ đề nghiên cứu mới. TS. Phương Thiện Thương nhấn mạnh: “Các nhà nghiên cứu của VKIST sẽ tôn trọng thị trường và làm việc mà thị trường yêu cầu.

Tham vọng làm chủ công nghệ động cơ điện

Cũng trong Hội thảo, VKIST chia sẻ lộ trình nghiên cứu của mình ở lĩnh vực công nghệ động cơ điện - cốt lõi của những ngành công nghiệp xanh trong tương lai. Mục tiêu của Viện là thiết kế, làm chủ và tạo ra công nghệ “made in Vietnam” nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước, đáp ứng nhu cầu thị trường (do phần lớn động cơ điện trong nước đang phải nhập khẩu), và tạo ra sự hội tụ về công nghệ làm nền tảng cho những nghiên cứu ứng dụng sau của VKIST.

Chúng tôi đang nghiên cứu hai loại motor điện là động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu (PMSM) và động cơ cảm ứng (IM). Đây là hai loại động cơ cơ bản nhưng nếu chúng ta có thể nắm được công nghệ của chúng thì hầu như sẽ phủ kín được nhu cầu cho khu vực dân dụng và công nghiệp nặng”, TS. Phạm Duy Học, Trưởng phòng Máy móc và Hệ thống năng lượng điện của VKIST chia sẻ. Để đạt được điều này, nhóm nghiên cứu quyết định trong bước đầu tiên phải làm chủ không chỉ công nghệ động cơ mà còn cả bộ điều khiển.

Trên thế giới, công nghệ của cả hai loại động cơ đã đến mức tới hạn. Không có ưu thế về know-how, các nhà nghiên cứu sẽ vừa phải đuổi kịp để áp dụng các thành tựu quốc tế, vừa phải phát triển những công nghệ lõi mới của mình.

Chúng ta vẫn có nhiều điểm để khai thác, chẳng hạn trên thế giới, động cơ PMSM vẫn chủ yếu chỉ được áp dụng trong công nghệ ô tô và điều hòa vì giá thành cao hơn hẳn các loại động cơ khác. Nhưng chúng lại có hiệu suất rất cao và kích thước nhỏ. Sở dĩ công nghệ tạo ra động cơ PMSM đắt đỏ bởi chúng cần sử dụng các vật liệu đất hiếm. Nhật và Mỹ vẫn phải dựa vào Trung Quốc để cung cấp nguyên liệu này, trong khi Việt Nam là nước có trữ lượng đất hiếm đứng thứ 4 thế giới và đang xuất khẩu thô sang Nhật Bản. Đó có thể là lợi thế cạnh tranh bước đầu của chúng ta,” TS. Phạm Duy Học nói. Anh cho rằng nhóm nghiên cứu sẽ phải tạo ra được các thiết kế mới có hiệu suất tương tự mà giá thành hạ hơn.

Với động cơ IM cũng thế, dù chúng tới hạn, chúng ta vẫn cần học hỏi và làm chủ được để tự phát triển những công nghệ khác như IoT hoặc cảm biến”, anh nói thêm.

Theo TS. Phạm Duy Học, giai đoạn 2020-2021, nhóm nghiên cứu sẽ hợp tác với viện KIST để phát triển prototype và platform của động cơ PMSM 11kW có khả năng sử dụng trong các thiết bị gia đình, xe ô tô điện… Song song với đó, từ đầu năm 2021, họ sẽ bắt đầu phát triển platform cho động cơ IM và kỳ vọng hoàn thiện vào năm 2023. Giai đoạn sau 2023, VKIST sẽ đi sâu vào phát triển các động cơ điện cho những ngành công nghiệp nặng, tàu điện và quốc phòng.

Các kế hoạch nghiên cứu của VKIST về động cơ điện đã thu hút sự quan tâm không nhỏ từ phía doanh nghiệp và viện nghiên cứu khác. Ông Hồ Quốc Huy, chánh văn phòng tập đoàn Mai Linh, tỏ ra hào hứng trước viễn cảnh động cơ điện nội địa. Tập đoàn này có hơn 22 vạn xe taxi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc thay thế các động cơ chạy xăng sang chạy điện (đã có trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn) sẽ giúp Mai Linh trở thành doanh nghiệp “đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và là tiếng nói [của Việt Nam] với thế giới rằng chúng ta sẵn sàng hành động vì môi trường”, ông Hồ Quốc Huy nhấn mạnh. Ông bày tỏ sự quan tâm tài trợ cho nghiên cứu.

TS. Phạm Duy Học cho biết, sau giai đoạn phát triển prototype thành công, dự án sẽ cần hợp tác mạnh mẽ với các doanh nghiệp như Mai Linh. “Để ngang bằng hoặc thu hẹp khoảng cách với thế giới, chúng tôi sẽ phải làm theo quy chuẩn quốc tế, nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng cả thị trường nội địa và thế giới”, đại diện VKIST nói thêm.

 Nguồn: Ngô Hà - khoahocphattrien.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả