“Xu hướng sử dụng các hợp chất tự nhiên trong dược, mỹ phẩm – Công nghệ bào chế bộ dược, mỹ phẩm dùng cho da nhạy cảm từ cây Dương cam cúc” là chủ đề thứ 6 trong chuỗi báo cáo phân tích xu hướng công nghệ do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) tổ chức từ đầu năm đến nay. Sự kiện diễn ra vào sáng 22/9, thu hút hàng trăm đại biểu từ các viện, trường và cơ quan nghiên cứu tại TP.HCM và các tỉnh thành trong khu vực tham dự.
Báo cáo của CESTI khi phân tích xu hướng ứng dụng các hợp chất tự nhiên trong dược-mỹ phẩm trên cơ sở sáng chế quốc tế cho thấy, sự quan tâm của cộng đồng khoa học và doanh nghiệp đến việc ứng dụng các hợp chất tự nhiên vào dược, mỹ phẩm có từ rất sớm: ngay từ thập niên 60 của thế kỷ 20 đã có sáng chế đăng ký bảo hộ về ứng dụng các hợp chất tự nhiên trong dược, mỹ phẩm, đến nay đã có hơn 1.900 sáng chế nộp đơn bảo hộ và con số này luôn tăng. Trong giai đoạn 2007-2014 bình quân có đến 100 sáng chế đăng ký bảo hộ mỗi năm. Cũng theo thông tin từ CESTI, tại TP.HCM, đã có một số đề tài nghiên cứu ứng dụng các hợp chất tự nhiên trong dược, mỹ phẩm, ví dụ như cây râu mèo, cây lô hội, hà thủ ô,...đăng ký tại Sở KH&CN TP.HCM.
Theo TS. Trần Anh Vũ, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, báo cáo viên chính, trong số các nguyên nhân gây ra các bệnh lý về da, bên cạnh các yếu tố do môi trường (ô nhiễm, tiếp xúc hóa chất,..) còn có nguyên nhân hình thành từ chính những hoạt động thường ngày của con người, khi áp dụng các biện pháp làm đẹp, sử dụng mỹ phẩm,…Thực trạng này đã khiến nảy sinh nhu cầu của xã hội về các dạng dược-mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Đây là các sản phẩm vừa đáp ứng các yêu cầu bảo vệ sức khỏe của làn da, vừa đem lại vẻ đẹp cho làn da của người sử dụng. Trên thế giới, có khá nhiều hãng dược-mỹ phẩm cũng cấp các sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu này, ví dụ như Pierre Fabre, La Roche-Possay,...
TS. Trần Anh Vũ giới thiệu một số dược-mỹ phẩm từ Dương cam cúc.
Tại Đại học Y Dược TP.HCM, đã có một số nghiên cứu sử dụng Dương cam cúc (Matricaria chamomilla L.) cho mục đích kháng viêm, kháng dị ứng. Đây là loại cây di thực từ châu Âu, trồng nhiều khu vực Cam ly, Vạn Thành, Đà Lạt. Đặc điểm của Dương cam cúc trồng tại Việt Nam là rất giàu thành phần bisabolol oxit. Các nhà khoa học tại đây đã nghiên cứu và xác định được nhừng thời điểm thích hợp nhất cho việc khai thác tinh dầu từ Dương cam cúc trồng tại Đà Lạt để có thể đạt được năng suất cao nhất. Từ đây, ứng dụng các phương pháp thu hoạch, điều chế phù hợp để tạo ra tinh dầu, cao dương cam cúc, nguồn nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm sử dụng trên da như : gel rửa mặt, mặt nạ làm sạch và dịu da, dung dịch và kem chống viêm và dị ứng.
Các nhà khoa học của Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã hoàn tất công tác phân lập được chất chuẩn apigeinin-7-glucosid để làm cơ sở đối chiếu, tạo điều kiện cho việc kiểm tra chất lượng của dương cam cúc, từ khâu nguyên liệu, sản phẩm trung gian đến các dược-mỹ phẩm. Đây là một tiền đề thuận lợi, giúp thúc đẩy các hoạt động đầu tư sản xuất sản phẩm từ dương cam cúc, trong bối cảnh việc kiểm định chất lượng dược liệu dương cam cúc còn khó khăn vì không có chất chuẩn từ trước đến nay.
T.K