Đây là một hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động của “Tháng hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập”. Nội dung của Tọa đàm tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến những cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam trong Hiệp định TPP.
Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo và đại diện của 08 bộ ngành thuộc Chương trình hành động 168, các tổ chức và hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và đông đảo các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN). Nội dung Tọa đàm bao gồm các bài chia sẻ và thảo luận về các nội dung liên quan đến SHTT trong Hiệp định TPP; công tác thực thi quyền SHCN; thực thi quyền tác giả trong lĩnh vực phần mềm máy tính, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN nói: “Đây là những thông tin vô cùng hữu ích, góp phần hiện thực hóa mục tiêu: Nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của quyền SHTT đối với phát triển xã hội; đẩy mạnh việc xác lập, khai thác, phát triển và thực thi quyền SHTT; bảo đảm quyền SHTT thực sự trở thành công cụ thúc đẩy phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung; tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để thực hiện các cam kết quốc tế về SHTT.”
“Quyền SHTT, ngày nay, đã trở thành một bộ phận, thành tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ, quyền SHTT không chỉ là tài sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục, không giới hạn bởi không gian, thời gian của doanh nghiệp mà nó còn là công cụ pháp lý để bảo vệ, giúp cho doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu và trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường thương mại điện tử (môi trường kỹ thuật số). Vai trò của việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT không thể thiếu đối với các doanh nghiệp ở tầm vi mô và đối với quốc gia ở tầm vĩ mô. Với nhận thức đó, Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền SHTT đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT.” Ông Trần Minh Dũng nhấn mạnh.
Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ KH & CN
Là thành viên thường trực của nhóm đàm phán về SHTT của Việt Nam trong TPP, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng – Phòng Pháp chế & Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH& CN đã có phần trình bày mở đầu rất chi tiết về những cam kết về bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong TPP, để cộng đồng doanh nghiệp trong nước nắm bắt được những cam kết SHTT của Việt Nam, từ đó xây dựng những lộ trình hợp lý cho vấn đề này.
Cũng tại buổi Tọa đàm sáng nay, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã chia sẻ về công tác thực thi bảo hộ quyền SHTT trong lĩnh vực phần mềm máy tính. “Thanh tra Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, xử lý và giải quyết 100% đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với chủ sở hữu chương trình phần mềm máy tính. Từ năm 2006 – 2015, tiến hành thanh tra đột xuất 541 doanh nghiệp trên cả nước và số máy tính được kiểm tra: 27.602 máy, phát hiện hành vi sao chép tác phẩm phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, Thanh tra Bộ đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là 8.613.000.000đ “ ông Minh cho biết.
“Một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền SHTT, trong đó là thực thi quyền SHTT được đặc biệt chú trọng, trong đó có có nội dung: kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên là 70 năm và thực thi quyền bao gồm cả khả năng bị truy tố hình sự. Điều này đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về SHTT. Trong lĩnh vực phần mềm máy tính, trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến. Vì vậy, đối với cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta cũng cần quan tâm hơn tới vấn đề SHTT, có những bước chuẩn bị về tài chính, về nhân lực và về kỹ thuật để khi hội nhập TPP, chúng ta tránh được các rắc rối khiếu kiện có thể xảy ra." Ông Minh nhấn mạnh.
Tại buổi Tọa đàm sáng nay, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông John Hill đã chia sẻ những cơ hội và lợi ích lớn mà TPP sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và cho cả nền kinh tế của Việt Nam nói chung. Theo ông John Hill, TPP sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi ích hữu hình, gồm: thuế xuất nhập giảm, thuế nhập khẩu về mức 0; đối với may mặc và da giày, vốn là những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, mức thuế suất lên đến 32% tại Mỹ; Những ngành xuất khẩu khác cũng sẽ được hưởng lợi như ngành thủy sản nhờ giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm tôm, mực, cá ngừ....
“Nhưng có thể nói, một điều còn quan trọng hơn cả những lợi ích thương mại trực tiếp mà TPP mang lại, đó là khuôn khổ những chuẩn mực, hành vi mà về lâu dài sẽ định hình quỹ đạo kinh tế cho Việt Nam.” Ông John Hill nhấn mạnh tại buổi Tọa đàm.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Mặc dù, trong nhiều năm qua, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính đã có nhiều cải thiện đáng kể. Tuy vậy, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn rất cao. Khi vào TPP, với sức ép phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn về SHTT sẽ tạo ra một sức ép lớn cho các doanh nghiệp, buộc các các doanh nghiệp phải tuân thủ khi đã bước vào một sân chơi kinh tế tự do lớn nhất thế giới.
Với nhiều năm hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam, ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA, Liên minh Phần mềm đã có phần chia sẻ về những rủi ro mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt, gồm các vấn đề về an ninh mạng Việt Nam bước vào một thế giới siêu kết nối. Trả lời câu hỏi được các doanh nghiệp quan tâm về những rắc rối mà các doanh nghiệp gặp phải khi sử dụng phần mềm không có bản quyền trong TPP, ông Roland Chan cho rằng, vấn đề đầu tiên doanh nghiệp mắc phải là vấn đề pháp lý. Theo luật Việt Nam hiện hành, việc sử dụng các phần mềm bất hợp pháp là vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền SHTT, trong đó có phần mềm máy tính.
“Vấn đề quan trọng hơn mà các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không có bản quyền là đối mặt với các rủi ro về an ninh mạng. Khi sử dụng phần mềm không bản quyền, khả năng hệ thống máy tính của doanh nghiệp bị tấn công bởi các phần mềm mã độc là rất cao, vì thế, an ninh của bản thân doanh nghiệp bị nguy hại.” Ông Roland Chan cho biết.
Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn