SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát triển KH&CN: Rất cần nguồn vốn huy động của toàn xã hội

So với các nước Trung Quốc, Nhật Bản thì ở Việt Nam với mức chi 2% tổng chi ngân sách quốc gia cho KH&CN tương đương với khoảng 700 triệu USD được xem là con số khá khiêm tốn. Nhưng đối với Việt Nam thì con số đó đã thể hiện sự quan tâm lớn của nhà nước đối với KH&CN.
 
 

Phát triển KH&CN là sự nghiệp của toàn xã hội (ảnh: Hoàng Anh)

Tuy nhiên, làm thế nào để KH&CN thực sự khởi sắc thì ngoài 2% tổng chi ngân sách quốc gia thì rất cần nguồn vốn huy động của toàn xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng vô cùng cần thiết sự đầu tư hợp lý tránh dàn trải, đúng và trúng cho KH&CN. Coi nhiệm vụ phát triển KH&CN là trách nhiệm của toàn xã hội.

Đây là một trong những nội dung chính của Chương trình “Theo dòng thời sự” được phát trên kênh VOV1 vừa qua với sự tham gia trả lời của ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN.

-Nếu nhìn vào sự đầu tư cho KH&CN của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc thì con số 2% chi ngân sách cho KH&CN ở Việt Nam còn quá nhỏ bé. Với góc độ là người đứng đầu ngành KH&CN, Bộ trưởng có cho rằng chúng ta đang thuộc diện “nhà nghèo” hay không?


-Bộ trưởng Nguyễn Quân:  Đúng là nhìn vào con số tuyệt đối là khoảng 700 triệu USD dành cho KH&CN thì quả thực nước ta là một nước nghèo, tuy nhiên có thể nói con số tương đối, tức là tỷ lệ tương đối 2% tổng chi ngân sách quốc gia, tương đương với khoảng 0,5 – 0,6 GDP quốc gia thì điều đó cũng đã thể hiện sự quan tâm của nhà nước với KH&CN không thua kém bất kỳ một quốc gia nào. Các quốc gia phát triển cũng chỉ dành được 0,3 – 0,4 GDP quốc gia từ ngân sách nhà nước cho KH&CN.

Điểm khác biệt ở đây chính là sự đầu tư của xã hội cho KH&CN. Ở Việt Nam, doanh nghiệp gần như còn đứng ngoài, các thành phần kinh tế cũng ít đầu tư cho KH&CN. Cho nên tổng đầu tư xã hội cho KH&CN chỉ xấp xỉ 1% GDP quốc gia. Trong khi ở các quốc gia khác thì con số này khoảng 2,3 – 2,4% GDP quốc gia, cá biệt như Hàn Quốc thì con số này lên tới 4,5% và tổng GDP quốc gia của các quốc gia phát triển thì cũng lớn hơn Việt Nam hàng trăm lần, vì thế mà con số tuyệt đối của họ đầu tư cho KH&CN cũng lớn hơn rất nhiều. Nên chúng ta nghèo về con số tuyệt đối nhưng cũng không quá nghèo về con số tương đối.

- Theo Bộ trưởng thì 10 chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước được tiến hành nghiên cứu trong thời gian qua đã đúng và trúng chưa?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể nói, các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước được thực hiện đến thời điểm này là đã qua 4 chu kỳ 5 năm. Hiện nay đang thực hiện chu kỳ thứ 4 có thể khẳng định, các chương trình nghiên cứu này được chọn lựa tương đối kỹ lưỡng, đúng và trúng. Chúng ta có hàng ngàn lĩnh vực KH&CN khác nhau, nhưng chúng ta chỉ tập trung vào 10 chương trình KHCN lớn và thuộc những lĩnh vực được ưu tiên như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, y tế, bảo vệ môi trường,… Mỗi chương trình gồm nhiều đề tài khác nhau và tập hợp các đề tài đó để giải quyết được những vấn đề cốt lõi của từng chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước.

Tuy nhiên, đến giai đoạn này thì các chương trình cũng bắt đầu bộc lộ những nhược điểm và chúng tôi đang điều chỉnh theo hướng là tập trung vào những sản phẩm mang tính đột phá cho nền kinh tế, chúng tôi cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt 10 chương trình quốc gia về KH&CN. Các chương trình quốc gia không đi theo lĩnh vực mà đi theo sản phẩm và các đề tài sẽ đi theo sản phẩm đó từ khi bắt đầu cho đến khi ra sản phẩm cuối cùng. Chúng tôi cho rằng đây là hướng đúng và sẽ mang đến yếu tố tích cực cho nghiên cứu khoa học.

- Bộ trưởng có cho rằng nên loại những đề tài nhỏ ở các địa phương chưa có hiệu quả cao (các sáng tạo) để dành kinh phí đầu tư cho các đề tài xứng tầm hơn, tránh tình trạng đầu tư dàn trải và hiệu quả không cao không, thưa Bộ trưởng?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, có thể nói kinh phí ngân sách dành cho KH&CN ít nhưng lại không được tập trung ở một đầu mối. Đó cũng do pháp luật của chúng ta phân cấp nhiều cho các địa phương, bộ ngành. Đặc biệt, Bộ KH&CN không được can thiệp vào việc phân bổ và sử dụng kinh phí đó. Đồng thời chúng ta chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thống kê nên Bộ KH&CN không nắm và điều chỉnh được việc phân bổ, sử dụng kinh phí cho KH&CN ở các bộ ngành, địa phương.

Chính vì vậy mà ở Luật KH&CN sửa đổi lần này chúng tôi cũng đề xuất việc các bộ ngành, địa phương khi được cấp kinh phí cho KH&CN thì phải thực hiện chế độ báo cáo thống kê đầy đủ để chúng tôi có thể báo cáo Thủ tướng, Quốc hội và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Nhà nước. Chúng tôi cũng đồng tình với việc không nên đầu tư dàn trải, quy mô nhỏ và không có hiệu quả, phải tập trung cho những sản phẩm quốc gia, những chương trình nghiên cứu có quy mô lớn, còn những chương trình đề tài nhỏ lẻ ở các bộ ngành, địa phương nên lấy từ nguồn đầu tư của doanh nghiệp hoặc các thành phần kinh tế khác.

- Ở Việt Nam nguồn đầu tư từ xã hội cho KH&CN còn rất hạn chế, theo Bộ trưởng thì làm thế nào để thu hút được nguồn này?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng ta phải xác định rằng hoạt động KH&CN không phải là việc riêng của nhà nước mà là trách nhiệm của toàn xã hội, vì thế mà mọi tổ chức cá nhân trong xã hội đều phải có trách nhiệm đầu tư cho phát triển KH&CN của quốc gia. Đây cũng là bài học của tất cả các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt là các nước có nền kinh tế mới nổi.

Hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam hầu như còn đứng ngoài hoạt động KH&CN, trong khi các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan thì doanh nghiệp lại là lực lượng chính đầu tư cho KH&CN. Vì thế vừa qua BCH Trung ương vừa ban hành Nghị quyết số 20 của Hội nghị TW 6, Khóa 11. Lần đầu tiên quy định các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải dành một tỷ lệ lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được khuyến khích làm như vậy.

Nếu chúng ta thực hiện được như vậy thì chúng ta sẽ có nguồn đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp cho KH&CN, lớn hơn nhiều lần ngân sách nhà nước, chúng ta có đủ nguồn đầu tư cho phát triển KH&CN của đất nước, kể cả hạ tầng và hoạt động nghiên cứu.

-Khuyến khích này có vẻ phù hợp với các tập đoàn kinh tế lớn, vậy còn những doanh nghiệp nhỏ chưa đủ mạnh thì sao? Chúng ta có những hình thức khuyến khích nào để họ tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước có tiềm lực rất mạnh, trong thời gian vừa qua một số tập đoàn đã nhận thức được vấn đề và đầu tư cho KH&CN rất mạnh. Ví dụ như Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hai đơn vị này đã dành 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp. Với sự đầu tư này họ đã thu được nhiều sản phẩm nghiên cứu có giá trị kinh tế rất lớn.

Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp vừa và  nhỏ thì đây là một vấn đề vì hiện nay Luật quy định các doanh nghiệp chỉ được dùng không quá 10% trước thuế đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp. Mà trong thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ của chúng ta thì 10% lợi nhuận trước thuế chỉ tương đương mấy chục triệu đồng, thậm chí vài triệu đồng thì họ không đủ nguồn để đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh, trong khi chúng ta đang rất cần nguồn đầu tư từ hàng trăm nghìn những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Hiện chúng tôi đang khuyến khích các doanh nghiệp nếu như đầu tư từ nguồn của doanh nghiệp mà không đủ để đổi mới công nghệ thì có thể đóng góp cho  quỹ  phát triển KH&CN của các bộ ngành, địa phương và trên cơ sở nguồn thu lớn từ đóng góp của các doanh nghiệp vừa, nhỏ sẽ đầu tư cho một số doanh nghiệp hàng đầu trọng điểm có tiềm lực, có sản phẩm và sau đó sẽ lần lượt đầu tư cho các doanh nghiệp khác.
Nguồn: Truyền thông KH&CN

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả