SpStinet - vwpChiTiet

 

“Viện sĩ Oparin” đến Trường Sa Lớn

Sáng 29-4, tàu nghiên cứu biển mang tên “Viện sĩ Oparin” của Viện hàn lâm Khoa học Nga đã cập cảng Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để bắt đầu phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN thực hiện chuyến khảo sát chung nhằm nghiên cứu đa dạng sinh học và hóa sinh ở vùng biển VN đến ngày 8-6.
 


Tàu “Viện sĩ Oparin” tại cảng Nha Trang - Ảnh: Duy Thanh

Đáng lưu ý, lần này tàu sẽ tiến hành nghiên cứu tại đảo Trường Sa Lớn.

PGS.TS BÙI MINH LÝ
- viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN), chủ nhiệm nhiệm vụ hợp tác phía VN - cho biết:

- Đây là chuyến khảo sát, nghiên cứu biển nằm trong cơ sở thỏa thuận hợp tác quốc tế giữa Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN và Viện hàn lâm Khoa học Nga.

Tham gia tàu nghiên cứu “Viện sĩ Oparin” lần này có 33 nhà khoa học, trong đó có 21 người đến từ hai viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương và Sinh học biển thuộc Phân viện Viễn Đông của Viện hàn lâm Khoa học Nga và 12 người của năm viện: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, Hải dương học Nha Trang, Hóa sinh biển Hà Nội, Hóa học các hợp chất thiên nhiên Hà Nội và Tài nguyên - môi trường biển Hải Phòng (đều thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN). Ngoài ra, trên tàu còn có thủy thủ đoàn 32 người.
 
“Viện nghiên cứu biển lưu động”

Tàu nghiên cứu “Viện sĩ Oparin” được đóng năm 1985 tại Phần Lan để dành riêng cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu biển của Phân viện Viễn Đông - Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. Tàu dài hơn 70m, ngang 15m, có lượng giãn nước 2.600 tấn, tốc độ 15,2 hải lý/giờ. Tàu có ba tầng, được thiết kế đặc biệt chuyên dụng với hệ thống phòng thí nghiệm cho các nghiên cứu về hóa sinh, sinh học, hóa học, vi sinh vật biển... nên được gọi là “viện nghiên cứu biển lưu động”. Tàu có các phòng với đầy đủ tiện nghi phục vụ thủy thủ đoàn 32 người và 40 nhà khoa học nghiên cứu trên tàu. Tàu rời cảng Vladivostok (Nga) ngày 19-4 và dự kiến sau khi làm việc ở vùng biển VN sẽ trở lại cảng này vào ngày 17-6.

* Đây là lần thứ tư tàu “Viện sĩ Oparin” đến VN để các nhà khoa học hai nước thực hiện các chuyến khảo sát chung về biển nước ta. Trong chuyến nghiên cứu này chúng ta kỳ vọng đạt kết quả gì, thưa tiến sĩ?

- Mục tiêu quan trọng của việc nghiên cứu chung trên tàu “Viện sĩ Oparin” là nghiên cứu toàn diện đa dạng sinh học và hóa sinh trong vùng biển VN, bao gồm nghiên cứu các quần xã rạn san hô, thu mẫu và định loài rong biển, sinh vật và vi sinh vật biển nhằm tìm kiếm nguồn các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học mới.

Đồng thời, chuyến khảo sát lần này củng cố mối quan hệ truyền thống, hợp tác toàn diện với đối tác Liên bang Nga, đặc biệt là các viện chuyên ngành thuộc Phân viện Viễn Đông của Viện hàn lâm Khoa học Nga - vốn là các cơ sở nghiên cứu biển hàng đầu thế giới về Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông, nhằm phát triển khoa học công nghệ và đào tạo cán bộ nghiên cứu về biển cho VN. Việc khảo sát, nghiên cứu biển này góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của VN.

Ba chuyến khảo sát và nghiên cứu chung trước đây giữa các nhà khoa học hai nước trên tàu “Viện sĩ Oparin” vào các năm 2005, 2007 và 2010 đã đem lại nhiều kết quả lớn. Đó là thu thập 935 mẫu động vật không xương sống và tảo biển, phân lập 916 chủng vi sinh vật, nghiên cứu nhiều vùng triều và mặt cắt thủy sinh chuẩn...

Những kết quả này bổ sung các dữ liệu về đa dạng sinh học và đưa ra các biện pháp bảo tồn rạn san hô trong vùng biển VN; các nghiên cứu hóa sinh đặc biệt là theo định hướng các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học để làm dược liệu đã bắt đầu được phía VN chủ động quan tâm và đẩy mạnh hợp tác chuyên sâu. Hoạt động khảo sát, nghiên cứu chung cũng giúp nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu biển của các nhà khoa học VN.

Trên tàu, hai phía cùng phối hợp thu thập các mẫu động vật, thực vật, vi sinh vật, định danh loài, bảo quản và xử lý mẫu, thực hiện các nghiên cứu khoa học, hóa sinh, thử nghiệm hoạt chất sinh học... Sau chuyến khảo sát, hai bên tiếp tục triển khai các hoạt động cùng quan tâm, hoàn thành các công bố khoa học và đào tạo chung.

* Thưa tiến sĩ, được biết trong hải trình của tàu “Viện sĩ Oparin” tại vùng biển VN lần này dừng nhiều vị trí ở vùng biển Trường Sa để nghiên cứu. Các nhà khoa học mong muốn tìm thấy những gì ở đó?


- Trong chuyến khảo sát, nghiên cứu chung Việt - Nga lần này, cả hai phía đề xuất mười tọa độ nghiên cứu vùng biển sâu ở vùng biển tây bắc đảo Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa.

Đối với nghiên cứu khoa học biển VN, việc mở rộng nghiên cứu đa dạng sinh học, sinh vật biển ra vùng đảo, vùng biển sâu, xa bờ là điểm mới thời gian gần đây và hiện nay kết quả nghiên cứu vùng biển, đảo Trường Sa đang được đặc biệt chú trọng.

Trong quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển quốc gia thì ở Trường Sa cũng thành lập các khu bảo tồn biển. Do vậy, việc nghiên cứu đa dạng sinh học và hóa sinh ở vùng biển này rất cần thiết.

Cùng với kết quả nghiên cứu về các điều kiện tự nhiên khác như thủy văn, môi trường, địa chất... các kết quả nghiên cứu về các nhóm sinh vật, về rạn san hô ở vùng đảo này cung cấp thêm những hiểu biết đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu đề xuất các biện pháp khai thác bền vững tài nguyên sinh vật, bảo vệ môi trường, xây dựng các khu bảo tồn, du lịch trong vùng biển đảo này.

 
Khảo sát những vùng biển sâu trên dưới 1km

Một điều đáng quan tâm là phạm vi nghiên cứu không ngừng mở rộng qua từng chuyến khảo sát. Nếu năm 2005 chỉ tập trung khảo sát chủ yếu ở vịnh Vân Phong và vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), năm 2007 mở rộng khảo sát thêm bốn vùng đa giá trong biển Đông thì năm 2010 đã khảo sát trên một lộ trình rộng, nhiều vùng biển từ Nam ra Bắc của vùng lãnh hải VN. Và chuyến khảo sát lần này, các nhà khoa học của hai nước cùng con tàu sẽ khảo sát 36 vị trí ở các vùng đảo gần bờ, vùng rạn và vùng biển sâu phía Nam, phía Tây Nam; vùng bờ biển phía Bắc VN và vịnh Hạ Long để nghiên cứu toàn diện đa dạng sinh học và hóa sinh của biển VN. Trong chuyến này, tàu không chỉ khảo sát vùng biển xa, mà còn khảo sát vùng biển sâu trên dưới 1km - điều mà các chuyến khảo sát trước chưa có điều kiện thực hiện.
 
Nguồn: Tuổi trẻ Online

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả