Ngân hàng thế giới đánh giá cao mạng VinaREN Việt Nam
27/01/2010
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 25/01/2010, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Văn Lạng đã đón tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Ngân hàng thế giới. Thành phần đoàn gồm các nhà quản lý nghiên cứu và đào tạo, lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, đại diện ngân hàng thế giới, chuyên gia đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC). Để khắc phục “khoảng cách” giữa các viện nghiên cứu và các trường đại học, EC đã hỗ trợ các nước châu Á kết nối với các nước châu Âu qua mạng thông tin xuyên Á-Âu (TEIN), kinh phí mỗi năm lên tới 14 triệu Euro. Trong giai đoạn II (TEIN2), Việt Nam là một trong 5 nước châu Á được thụ hưởng tài trợ của EC với kinh phí tương đương 80% kinh phí thuê đường truyền quốc tế tuyến Hà Nội - Hồng Kông (khoảng 21 tỷ VND). Tháng 4 năm 2006, Bộ KH&CN đã phê duyệt và tài trợ dự án TEIN2-VN về xây dựng Mạng nghiên cứu và đào tạo quốc gia (VinaREN). Sau gần 2 năm triển khai, Mạng VinaREN đã được thiết kế, xây dựng và đi vào hoạt động với quy mô công nghiệp, được trang bị những thiết bị mạng tiên tiến nhất.
Trong giai đoạn 3 (TEIN3), EC đã quyết định sẽ mở rộng sang một số nước Nam Á như: Ấn Độ, Afghanistan, Bangladesh, Pakistan, Bhutan, Nepan… Mục đích chuyến khảo sát của Đoàn tại Việt Nam lần này là trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng, quản lý và phát triển Mạng VinaREN cũng như các tác động của nó đối với cộng đồng nghiên cứu và đào tạo. Đi lên từ con số “không” trước năm 2006, đến nay Mạng VinaREN Việt Nam đã có đủ năng lực hỗ trợ các ứng dụng mạng tiên tiến trong nghiên cứu, đào tạo với các công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất và tạo được niềm tin, uy tín trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước Nam Á tham gia TEIN2.
Thay mặt Bộ KH&CN Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng đánh giá cao sự giúp đỡ của EC và Ngân hàng thế giới trong việc phát triển mạng VinaREN Việt Nam và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và hợp tác từ phía EC và Ngân hàng thế giới. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Việt Nam luôn quan tâm học hỏi kinh nghiệm của các nước, đồng thời cũng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của mình với các bạn bè quốc tế, tích cực mở rộng và tăng cường hội nhập để VinaREN thực sự trở thành cầu nối giữa cộng đồng các nhà khoa học và đào tạo Việt Nam với các đồng nghiệp trên toàn thế giới”.
Theo dự kiến, trong Chương trình khảo sát, Đoàn sẽ tới thăm và làm việc với một số cơ sở như: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và tìm hiểu việc ứng dụng, khai thác dịch vụ của VinaREN trong công tác dự báo thời tiết hàng ngày và dự báo bão, lụt ở Việt Nam; thăm và làm việc với VinaREN/NASATI về quản lý và vận hành VinaREN…
QT (theo Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN)