SpStinet - vwpChiTiet

 

Đổi mới để thích ứng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Để tận dụng triệt để những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Việt Nam cần có khung pháp lý vững chắc, đầy đủ; cần thúc đẩy quá trình từ nhận thức đến chủ động nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu mới nhất của cuộc CMCN 4.0, giúp các đơn vị, doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ có thể định hình, nắm bắt được được những thay đổi của các dịch vụ tài chính - ngân hàng để phát huy hiệu quả sử dụng.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu là lãnh đạo ngân hàng, chuyên gia và các doanh nghiệp công nghệ trao đổi tại Hội thảo “Bước tiến mới trong ngành tài chính - ngân hàng trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức chiều 13/7/2018, tại Hà Nội.

Nhiều cơ hội và thách thức

Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, là lĩnh vực luôn tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều dự án hiện đại hóa và có môi trường thuận lợi từ quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành tài chính – ngân hàng đang đứng trước những cơ hội lớn để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Với quy mô dân số hiện đứng thứ 13 thế giới và dự báo sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2025, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet năm 2017 theo nghiên cứu lên tới 55%, cao hơn bình quân 44% trên thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có điều kiện thuận lợi để phát triển, hiện đại hóa nhanh chóng lĩnh vực tài chính – ngân hàng, tận dụng triệt để những thành quả của cuộc CMCN 4.0.

Ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội thảo.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), “Đất nước Việt Nam và ngành ngân hàng - tài chính cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0”. Ứng dụng rộng rãi các công nghệ mới mang tính đột phá, biểu hiện rõ nét trong ngành dịch vụ tài chính là làn sóng Fintech, kỳ vọng cao và hành vi thay đổi của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số, khuynh hướng quản lý thân thiện với đổi mới, sáng tạo và hướng nhiều hơn tới bảo vệ người tiêu dùng… là những xu hướng chủ đạo làm thay đổi diện mạo ngành dịch vụ tài chính thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam.

Người tiêu dùng sẽ là nhóm đối tượng được lợi hơn cả từ những đổi mới sáng tạo trong ngành dịch vụ tài chính. Họ được hưởng nhiều lợi ích hơn như giảm chi phí giao dịch; giao dịch thuận tiện đa kênh, mọi lúc mọi nơi và có được sự lựa chọn phong phú về sản phẩm, dịch vụ từ rất nhiều nhà cung ứng dịch vụ tài chính. Hơn nữa, đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phổ cập tài chính bằng việc tăng cường đưa dịch vụ tài chính tới những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Khi áp dụng thành tựu của CMCN 4.0, sẽ xuất hiện nhiều ngân hàng số. Đây là mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành ngân hàng trên nền tảng số, có tiềm năng giúp các ngân hàng thích ứng tốt và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, đem lại lợi ích to lớn cho ngân hàng về tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sự gắn kết với khách hàng, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Anh cho rằng, “bên cạnh những cơ hội, lợi ích mở ra từ CMCN 4.0, ngành tài chính - ngân hàng cũng đồng thời đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó trước tiên là vấn đề khuôn khổ pháp lý để thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0; với các tổ chức ngân hàng - tài chính, đó là yêu cầu phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc lại sản phẩm, dịch vụ, cơ chế hữu hiệu trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số”.

Hợp tác ngân hàng – Fintech

Toàn cảnh Hội thảo.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng trải nghiệm khách hàng, một số ngân hàng Việt Nam đã và đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số hướng tới một ngân hàng số đích thực; triển khai cung ứng một số dịch vụ ngân hàng đổi mới, sáng tạo như: VPbank với ứng dụng ngân hàng số Timo, Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab, Vietinbank với Corebank thế hệ mới - hiệu suất cao, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại, MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ khách hàng 24x7 trên mạng xã hội;...

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, hiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam với 80 doanh nghiệp Fintech (công ty kết hợp công nghệ trong hoạt động tài chính) đang hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng,… Có 27 tổ chức đã được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Theo khảo sát của NHNN tháng 4/2018, có 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng – Fintech để cùng phát triển, ví dụ như MB & Viettel, PG Bank & Petrolimex, VCB & M-Service.

Khi nói đến 4.0 trong ngành ngân hàng, cần phải dựa trên nền tảng Internet banking, Mobile banking, điều này là đúng nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi trong quản trị kinh doanh. Chẳng hạn, khi ứng dụng Blockchain vào hoạt động, việc đối chiếu, rà soát sẽ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả gấp nhiều lần hình thức cũ.

Ông Dũng cũng nêu một thực tế mà Fintech có thể giải quyết chóng vánh là để thẩm định một món vay, ngân hàng thẩm định cả tuần, cả tháng thì Fintech chỉ mất 5 phút. Để làm được điều này, Fintech tích hợp các giải pháp thu thập các thông tin người vay từ rất nhiều nguồn trên Internet như web, mạng xã hội. “Giao dịch trên ngân hàng số rẻ hơn 10 lần so với giao dịch truyền thống”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, các ngân hàng hiện đã chủ động tăng cường hợp tác với các tổ chức Fintech cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được NHNN cấp phép để tận dụng mô hình kinh doanh tinh gọn, hướng tới trải nghiệm khách hàng và sự đổi mới, sáng tạo của Fintech kết hợp với khuôn khổ quản lý rủi ro vững mạnh, cơ sở khách hàng rộng lớn của các ngân hàng để tạo sức mạnh tổng hợp trong cung ứng dịch vụ.

Điều này tạo bước phát triển mới của ngành ngân hàng - tài chính Việt Nam, đem lại lợi ích thiết thực, giảm chi phí, tăng tiện ích cho khách hàng, góp phần đắc lực phổ cập tài chính địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khách hàng có thể thực hiện giao dịch thanh toán bán lẻ hàng ngày như mua vé xem phim, trả taxi, trả tiền điện-nước-viễn thông-học phí, chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ,… từ chính chiếc điện thoại thông minh mà không cần đến chi nhánh, quầy giao dịch ngân hàng,…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng chia sẻ, nhận thức rõ tiềm năng, cơ hội mở ra cho thị trường Việt Nam từ phát triển ngân hàng số và hoạt động hợp tác Fintech, thời gian qua, NHNN đã chủ động cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Trong đó, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; tăng cường công tác truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ, thành tựu CMCN 4.0 trong ngành ngân hàng. Đặc biệt, ban hành Quyết định số 328/QĐ-NHNN thành lập Ban Chỉ đạo về Fintech trong lĩnh vực ngân hàng để triển khai một số hoạt động, nhiệm vụ nhằm góp phần hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển; tìm kiếm các giải pháp Fintech sáng tạo…

Nguồn: most.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả