Đây là nội dung của hội thảo quốc tế “Xây dựng và phát triển thị trường công nghệ - kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc” do Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 26/3 tại TP. HCM.
Theo đó, Cục Công tác phía Nam được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ hợp tác với Sàn Giao dịch công nghệ (SGDCN) Thượng Hải để xây dựng SGDCN TP. HCM. Qua việc nghiên cứu, học tập, tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm thực tiễn từ tổ chức và hoạt động của SGDCN Thượng Hải (STTE), bảo đảm tính khách quan, khoa học, nhiệm vụ hợp tác nói trên đã đề xuất được mô hình khung của SGDCN tại TP. HCM phù hợp với tình hình thực tiễn.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: LV.
Sàn GDCN TP. HCM là đầu mối của Bộ KH&CN về tổ chức các hoạt động kết nối giao dịch mua – bán, chuyển giao công nghệ (CGCN) tại các tỉnh thành phía Nam; thiết lập hệ thống mạng lưới các tổ chức dịch vụ và tư vấn CGCN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ. Sàn cũng là nơi tạo sự gắn kết giữa hoạt động KH&CN với doanh nghiệp, phục vụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy sáng tạo,… Sàn GDCN TP. HCM được xây dựng với tầm quy mô quốc gia, phục vụ cho cả khu vực phía Nam là vấn đề còn rất mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Vì vậy, công tác đào tạo, huấn luyện lực lượng cán bộ khung cho xây dựng và phát triển sàn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Mặt khác, không kém phần quan trọng là xây dựng bước đầu các nguồn lực thông tin cần thiết của một SGDCN, tạo lập thành hệ thống cơ sở dữ liệu về cung, cầu, tổ chức trung gian cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đây là những nguồn lực thông tin căn bản không thể thiếu đối với hoạt động của SGDCN.
TS. Bùi Văn Quyền (Vụ trưởng – Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN) cho biết, qua nhiệm vụ hợp tác đã tổ chức được 2 khóa huấn luyện cho 15 cán bộ Việt Nam tại Thượng Hải, 3 khóa huấn luyện với 170 cán bộ về tổ chức và hoạt động của SGDCN tại TP. HCM; tổ chức 6 đợt chuyên gia tư vấn của Thượng Hải sang làm việc tại TP. HCM. Về nguồn lực thông tin, bước đầu tạo lập được cơ sở dữ liệu về nguồn cung 700 công nghệ và thiết bị chào bán của 43 viện, trường, trung tâm nghiên cứu,…; thu thập thông tin của 200 doanh nghiệp sản xuất (nguồn cầu) và xây dựng thành hệ thống cơ sở dữ liệu với công cụ tra cứu thích hợp; thu thập thông tin của 40 tổ chức dịch vụ KH&CN và 500 chuyên gia tư vấn KH&CN có trình độ thạc sĩ trở lên ở nhiều lĩnh vực khác nhau; 370 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực KH&CN cũng được tích hợp thông tin.
Sàn GDCN TP. HCM được đề xuất xây dựng và hoạt động theo 2 giai đoạn: 2014-2018 tập trung xây dựng và hoàn thiện; 2019-2023 là giai đoạn tăng tốc phát triển toàn diện. Về triển vọng hợp tác GDCN giữa SGDCN TP. HCM và STTE, trước mắt đẩy mạnh hợp tác đào tạo huấn luyện chuyên sâu những kỹ năng nghiệp vụ theo phương thức thực hành trực tiếp tại STTE; tư vấn hỗ trợ triển khai xây dựng và phát triển các nguồn lực thông tin công nghệ, kết nối thiết lập hợp tác CGCN với EU, Bắc Mỹ và các nước phát triển ở châu Á...; phối hợp tổ chức thực nghiệm hoạt động kết nối CGCN tại Thượng Hải và TP. HCM, thúc đẩy CGCN giữa hai nước...
Về thị trường công nghệ tại Việt Nam, theo TS. Phạm Văn Diễn (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN), hiện có 3 nhóm đối tượng là nguồn cầu, nguồn cung và các tổ chức trung gian. Quy mô của nguồn cầu công nghệ vẫn còn nhỏ do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ không có điều kiện về vốn để đổi mới công nghệ. Nguồn cung công nghệ còn hạn chế do các kết quả nghiên cứu KH&CN trong các viện nghiên cứu, trường đại học thường ít tính ứng dụng, nguồn nhập khẩu thường là các công nghệ thấp, thậm chí không còn được sử dụng ở các nước. Các tổ chức trung gian của thị trường rất thiếu và hạn chế về năng lực. Do vậy, việc kết nối cung cầu công nghệ trong thị trường thời gian qua chưa thực sự mang lại kết quả cao.
Nhiều định hướng và giải pháp phát triển thị trường công nghệ đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, Bộ KH&CN cũng xác định là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 đã xác định: tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường hằng năm bình quân không dưới 15%, không dưới 20% đối với một số công nghệ cao được ưu tiên; tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ trong tổng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường KH&CN đạt không dưới 10% vào năm 2015 và không dưới 20% vào năm 2020; thiết lập mạng lưới SGDCN kèm theo bao gồm hệ thống tổ chức dịch vụ KH&CN hỗ trợ, trọng tâm là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng...
Để đạt mục tiêu, các giải pháp đã được thực hiện như thúc đẩy nhu cầu công nghệ (hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ,...); thúc đẩy nguồn cung cầu công nghệ (tăng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, miễn giảm thuế thu nhập từ sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới,...); hoạt động phát triển hệ thống các tổ chức trung gian...
Tại hội thảo, phía Trung Quốc cũng đã có những báo cáo tham luận và trao đổi như: kinh nghiệm của Trung Quốc về phát triển SGDCN và triển vọng hợp tác với Việt Nam; kinh nghiệm của Trung Quốc về đổi mới công nghệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ; giới thiệu về Trung tâm CGCN Trung Quốc – ASEAN...
Lam Vân