Công nghệ xử lý rác thải y tế phi lò đốt được Công ty Giải pháp Môi trường WTM AB giới thiệu tại buổi hội thảo sử dụng phương pháp xé vụn, bẻ gãy và nghiền nát rác thải trước khi đưa vào khử trùng tại bình chân không. Điều kiện chân không trong bình sẽ làm tăng áp suất từng phẩn của hơi nước, giúp quá trình khử trùng rác thải đạt hiệu quả tối ưu.
Tiêu biểu của công nghệ này là dòng máy Steriflash 30, 80,200 và 300; có công suất xử lý từ 1.141-17.340 kg/tháng, thể tích chứa từ 30-500 lít và khối lượng từ 350-2.000 kg, với những ưu điểm như: khử trùng tuyệt đối và loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm từ rác thải; xử lý tại chỗ, tránh nguy cơ lây lan do tiếp xúc khi vận chuyển rác đến các trạm xử lý; tiết kiệm chi phí xử lý và vận hành; không phát thải khí độc hại, mùi hôi hoặc rỉ nước nguy hại; quy trình vận hành đơn giản, dễ dàng và hỗ trợ kỹ thuật nhanh chóng thông qua internet hoặc hỗ trợ trực tiếp; đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO:9001, ISO:14001 và CE. (Mời xem video clip về chủ đề này tại đây).
Bà Nguyễn Thị Thái Bình, đại diện Công ty Giải pháp Môi trường WTM AB giới thiệu sản phẩm tại buổi hội thảo. - Ảnh: KT.
Với chuyên đề "Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước thải y tế", Công ty TNHH Đất Hợp đã giới thiệu dòng chế phẩm vi sinh Microbe-Lift với nhiều chủng vi sinh vật chọn lọc và có hoạt tính mạnh, giúp tăng hiệu quả xử lý của các hệ thống nước thải tại bệnh viện. Trong đó, mỗi sản phẩm đều có những công dụng ưu việt như: chế phẩm Microbe-Lift IND giúp cải thiện chất lượng nước đầu ra, giảm mùi hôi, giảm thể tích bùn đáy, tăng cường quá trình phân hủy sinh học và tăng hiệu suất của hệ thống; chế phẩm Microbe-Lift N1 làm giảm amonia, nitrit và nitrat, giảm mùi và khắc phục hiện tượng chết vi sinh do sốc tải bởi hàm lượng amonia cao; chế phẩm Microbe-Lift OC tạo ra các phản ứng sinh học ngăn chặn và kiểm soát mù hôi, giảm khí phát sinh ăn mòn thiết bị, giảm ruồi, muỗi và ấu trùng gây hại trong rác thải. Với ưu điểm dễ sử dụng và liều duy trì thấp (chỉ từ 2-5 ml cho 1 m3 nước thải), chế phẩm đã giảm đến 30-50% thông số ô nhiễm trong 2 tuần đầu tiên, đạt hiệu suất tối ưu từ 60-85% sau 6 tuần và ổn định hiệu suất sau 2 tháng sử dụng.
KS. Đồng Tú Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đất Hợp trao đổi tại buổi hội thảo. - Ảnh: KT.
Theo KS. Đồng Tú Anh, mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 300.000 m3 nước thải và 400 tấn rác thải y tế phát sinh từ hoạt động khám chữa bệnh và sinh hoạt của 1.670 bệnh viện và 31.594 phòng khám. Do đó, xử lý rác thải y tế tại nguồn đã trở thành khâu quan trọng nđể ngăn chặn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, giúp bệnh viện trở thành một môi trường thật sự an toàn, bảo vệ sức khỏe cho con người và hệ sinh thái. (Mời xem video clip về chủ đề này tại đây).
Các đại biểu tham dự hội thảo. - Ảnh: KT.
Chuỗi hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu đến cộng đồng và doanh nghiệp các công nghệ thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng cao và hiệu quả trong việc hỗ trợ công tác khám chữa bệnh, xử lý môi trường, chăm sóc và phục hồi sức khỏe, đồng thời tăng cường kết nối giữa các bên cung - cầu công nghệ và thúc đẩy phát sự triển của thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.