Sáng 20/11, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo tổng kết kết quả thực hiện Đề án Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) tại TP.HCM giai đoạn 2011 – 2015 và phương hướng hoạt động giai đoạn 2016 – 2020.
Hiệp định TBT là 1 trong 29 văn bản pháp lý thuộc Hiệp định WTO, bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc quy trình nhằm đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, kỹ thuật đó. Đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh... Vì vậy, mỗi nước thành viên WTO đều phải thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu.
Mạng lưới TBT Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật trong nước và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong đó, điểm TBT TP.HCM (TBT-HCM) nằm trong cơ cấu tổ chức của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (thuộc Sở KH&CN TP.HCM).
Theo ông Nguyễn Văn Hà (Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM), giai đoạn 2011 – 2015, điểm TBT-HCM đã tiếp nhận 1.690 hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy, hướng dẫn 400 doanh nghiệp thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm hàng hóa để nhanh chóng lưu thông trên thị trường. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về TBT cũng được thực hiện một cách nhanh chóng, minh bạch, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nắm bắt, tìm hiểu thông tin và đối phó với các khó khăn, trở ngại tại thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, điểm TBT-HCM đã tổ chức biên soạn 19 tài liệu phục vụ giảng dạy và triển khai phổ biến 31 văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp đến các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM; tham gia gần 130 lớp đào tạo bên ngoài, tổ chức đào tạo nội bộ 62 lớp về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và TBT để tăng cường năng lực chuyên môn phục vụ công tác tiêu chuẩn hóa và TBT.
Đại diện Trung tâm WTO tại TP.HCM, TBT Việt Nam và Sở KH&CN TP.HCM chủ trì thảo luận. Ảnh: LV. Tuy nhiên, hoạt động TBT còn gặp nhiều vướng mắc hạn chế như: sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa tốt nên hiệu quả thực thi chưa cao; nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ về TBT cùng những cơ hội và thách thức, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa xem trọng TBT ở các nước mà mình có hàng xuất khẩu nên việc xuất khẩu của doanh nghiệp đôi khi bị chính TBT gây cản trở, rủi ro, thiệt hại. Mặt khác, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu về quản lý xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trên thị trường; thông tin cụ thể, chính xác về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của các nước ở các nhóm, ngành hàng cụ thể còn thiếu, chưa được cập nhật và cung cấp cho doanh nghiệp đầy đủ.
Giải pháp đưa ra là cần tăng cường mối liên kết chặt chẽ với các đơn vị liên quan đến thực thi hiệp định TBT; cần có hệ thống thông tin chung cung cấp các tin tức, quy định quản lý, các vấn đề về xuất khẩu cho TBT Việt Nam, TBT địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin kịp thời,…
Ông Trịnh Minh Tâm (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, qua hội thảo lần này, Sở KH&CN TP.HCM ghi nhận những vấn đề trọng tâm cần chú ý để có những biện pháp cải tiến trong thời gian tới như: tạo môi trường lành mạnh, khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với ngăn chặn hàng gian hàng giả; tìm kiếm phương thức tuyên truyền phổ biến để cung cấp thông tin TBT cho doanh nghiệp hiệu quả hơn; lồng ghép các hoạt động TBT vào các chương trình tổng thể của thành phố để triển khai hiệu quả các hoạt động liên quan TBT; tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin, tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp và hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh các hoạt động thường xuyên, TBT-HCM sẽ có những hoạt động mới như tổ chức các buổi tọa đàm trên truyền hình nhằm cung cấp thông tin về tình hình xuất khẩu; tổ chức các buổi tập huấn về các biện pháp kỹ thuật của quốc tế do các chuyên gia về TBT phổ biến và trao đổi thông tin với doanh nghiệp; tập trung tìm hiểu, khảo sát 25 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của thành phố xuất khẩu sang nước ngoài để cung cấp các thông tin liên quan đến rào cản kỹ thuật các nước nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm,…
Lam Vân