Theo TS. Lưu Xuân Lộc (Phó trưởng khoa Kỹ thuật xây dựng, Đại học Bách khoa TP.HCM), những năm gần đây, các công trình xây dựng dân dụng, các công trình hạ tầng ngày cáng phát triển lớn về mặt quy mô lẫn tính chất phức tạp của công trình. Đặc biệt trong giai đoạn bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đòi hỏi ngành xây dựng nói chung và ngành cọc, bê tông nói riêng luôn phải tiếp cận học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ tiên tiến, từ đó đề ra các giải pháp thích hợp và hiệu quả với các điều kiện từng vùng, từng địa phương và phải phát triển mang tính bền vững. Triển lãm – Hội thảo này với 8 chuyên đề chuyên sâu được chia sẻ bởi các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành sẽ tìm kiếm những biện pháp mới, phù hợp áp dụng cho các vùng miền khác nhau của Việt Nam.
Cụ thể, các chuyên đề được chia sẻ, thảo luận gồm: Quy hoạch tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam và xu thế phát triển bê tông tiên tiến; Sử dụng phụ gia khoáng hoạt tính kết hợp dưỡng hộ nhiệt ẩm để chế tạo cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn; Xi măng Porland cho ngành cọc và sự phát triển bền vững; Công nghệ bê tông siêu tính năng và các ứng dụng tại Việt Nam; Nghiên cứu sản xuất và sử dụng xỉ hạt lò cao nghiền mịn s95 Hòa Phát cho sản xuất xi măng và bê tông tại Việt Nam;…
Khách tham quan một gian hàng triển lãm ngành cọc tại Đại học Bách Khoa TP.HCM. Ảnh: LV.
Ông Phan Khắc Long (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cọc Việt Nam) cho biết, hiện nay khi nhu cầu xây dựng các tòa nhà cao tầng và các công trình giao thông ngày càng phát triển, đòi hỏi về công nghệ và kỹ thuật nền móng càng cao, các doanh nghiệp cũng không thể “đứng yên tại chỗ” mà luôn phải đồng hành, nắm bắt các xu hướng trong ngành. Bước vào thời kỳ 4.0, các doanh nghiệp ngành cọc kỳ vọng sắp tới sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm thông minh, áp dụng trong sản xuất và quản lý, ví dụ như sản phẩm cọc thông minh bằng công nghệ kỹ thuật số.
Hoạt động Triển lãm – Hội thảo với 24 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ mang đến các ý tưởng sáng tạo mới nhất có thể làm thay đổi ngành sản xuất cọc Việt Nam, gồm sự thay đổi về máy móc thiết bị, vật liệu làm cọc, công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý. Bên cạnh đó, triển lãm cũng cập nhật các công nghệ bê tông mới, chia sẻ các nghiên cứu tình huống và phát triển nghiên cứu trong ngành bê tông và sản xuất cọc. Tại đây, các đơn vị tham gia có thể tìm hiểu kiến thức về các thiết bị công nghệ ly tâm như trạm, máy ly tâm, máy hàn, máy cắt; thiết bị phòng thí nghiệm như máy nén, máy phân tích; các vật liệu máy móc cho ngành cọc như cốt thép, đai stee, chất kết dính, phụ gia, cát, sỏi, cốt liệu, máy ép cọc, thiết bị khoan cọc,…