Đầu tư đội tàu đánh bắt mới, trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại và thay đổi phương thức bảo quản cá là mục tiêu mà ngành thủy sản Việt Nam đang hướng tới. Đến thời điểm này, vấn đề đổi mới công nghệ khai thác cá ngừ đại dương đã có thể triển khai ngay bởi công tác sản xuất tàu, hướng dẫn kỹ thuật đã sẵn sàng.
Thời gian qua, có rất nhiều đơn hàng tìm mua cá ngừ đại dương ở thị trường Mỹ, EU, Nhật... vì thế chỉ cần có hàng hóa chất lượng.
Ngày 2/8 vừa qua, công ty Yanmar (Nhật Bản) đã công bố sản xuất thí điểm thành công mẫu tàu đánh bắt cá ngừ tại Việt Nam. Tàu mẫu mới đã hạ thủy và neo tại cảng Hòn Rớ (Nha Trang).
Cải tiến khai thác
Ông Yukio Kikuchi, Giám đốc dự án hỗ trợ hiện đại hóa tàu khai thác cá ngừ tại Việt Nam cho biết, sau thời gian khảo sát, thăm dò ý kiến của ngư dân, Yanmar đã hoàn tất tàu thí điểm đầu tiên dựa trên mẫu tàu FE 650 của Nhật, mẫu tàu mới còn được cải thiện nhiều yếu tố theo điều kiện của Việt Nam.
Tàu có thiết kế dài 18 m, trọng lượng 50 tấn, công suất 350 mã lực, đạt vận tốc máy đạt 11,5 hải lý/giờ; dung tích khoang chứa nhiên liệu 7.000 lít, khoang nước ngọt là 3.000 lít, đáp ứng cho thời gian đi tàu trong 20 ngày.
So với mẫu tàu bên Nhật và tàu cá vỏ gỗ của Việt Nam, tàu composite của Yanmar vừa sản xuất thành công tại Việt Nam có nhiều cải thiện về những điểm yếu mà tàu vỏ gỗ đang mắc phải, ông Yukio Kikuchi cho hay.
Những khác biệt là, để đạt tốc độ nhanh hơn nhằm tiết giảm nhiên liệu, phần mũi tàu cách tân từ hình dáng nhọn, cong thông thường sang mũi tàu hình lõm mặt trước, khoang rộng hơn. Mạn và mũi tàu thiết kế cao hơn tàu cá vỏ gỗ hiện tại để tránh sóng đánh nước tràn vào.
Các hầm đựng cá cũng thiết kế bề mặt bằng với mặt boong tàu, tạo điều kiện cho thuyền viên di chuyển thuận lợi trong quá trình đánh bắt. Để hỗ trợ cho công tác bắt cá, hai bên mạn tàu, Yanmar thiết kế 2 cửa để kéo cá và các thiết bị hỗ trợ câu cá giúp ngư dân đỡ tốn sức.
Tiếp đó, các khu vực thiết bị khác cũng thay đổi thiết kế về vị trí để thuận lợi cho công việc và cải thiện điều kiện sinh hoạt, gồm cabin rộng hơn; trang bị hệ thống nhà vệ sinh trên tàu; dời vị trí đặt ống khói, cửa buồng máy.
Đến thời điểm này, Yanmar đã làm việc với Viện Nghiên cứu tàu thủy Uninship - Đại học Nha Trang trong vấn đề hợp tác cùng sản xuất tàu vỏ composite. Ông Nguyễn Văn Đạt, Viện trưởng Uninship nói, kỹ thuật của tàu thí điểm được Yanmar giám sát tỉ mỉ và chỉnh chu, mọi chi tiết phải đúng chuẩn.
Riêng phần cabin phải sửa 6 lần mới đạt theo yêu cầu, phần vỏ tàu phải đúng độ dày quy định. Khi thả nổi, phía chuyên gia Nhật kiểm tra cẩn thận về độ nghiêng ở mọi góc độ.
Theo đánh giá của bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Tuna Phú Yên, mẫu tàu này rất phù hợp cho công việc đánh bắt cá ngừ. Nếu có thể nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương lên cao hơn là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ.
Thời gian qua, có rất nhiều đơn hàng tìm mua cá ngừ đại dương ở thị trường Mỹ, EU, Nhật... vì thế chỉ cần có hàng hóa chất lượng.
Hiện, Tuna Phú Yên cũng đang có kế hoạch xây dựng đổi mới công tác đánh bắt cá ngừ đại dương, vì vậy công ty sẽ nghiên cứu mẫu tàu vỏ composite này. Tuy nhiên, phía Yarmar có thể nghiên cứu bổ sung thêm thiết bị tự làm đá ngay trên tàu để khắc phục nhược điểm trữ đá mà các tàu cá hiện nay đang áp dụng.
Theo thông tin từ ông Yukio Kikuchi, thiết kế tàu vỏ composite sẽ chưa dừng lại ở đó, khi đi vào sản xuất hàng loạt, thiết kế sẽ điều chỉnh theo nhu cầu của từng chủ tàu để phù hợp điều kiện của từng địa phương, mục tiêu là hướng tới sự thuận lợi nhất trong công việc.
Việc sản xuất thành công tàu cá vỏ composite cũng là thời điểm khởi động dự án mô hình công ty đánh cá cổ phần, ông Yukio Kikuchi cho biết thêm. Mô hình công ty này sẽ chia tỷ lệ góp vốn 65-35, trong đó, các công ty xuất khẩu cá ngừ đại dương và Yanmar tham gia góp 65% vốn điều lệ, 35% còn lại là do ngư dân tham gia đóng góp.
Mục tiêu là công ty đánh cá cổ phần sẽ đầu tư 180 tàu vỏ composite chia đều hoạt động tại 3 địa phương là Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Đến nay, công tác bàn bạc với lãnh đạo của 3 địa phương đã đi đến thống nhất và nhận được sự đồng tình ủng hộ cho mô hình công ty. Khi đi vào hoạt động, công ty này sẽ triển khai đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho ngư dân để đảm bảo chất lượng cá, phục vụ cho công tác bao tiêu xuất khẩu.
Hiệu quả lâu dài
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Thẩm định các mẫu tàu cá xa bờ phục vụ cho Nghị định 67/CP cho hay, chất liệu composite làm vỏ tàu sẽ giúp trọng lượng của tàu nhẹ hơn so với gỗ và thép, vả lại nếu thiết kế hợp lý, cùng một kích cỡ, tàu vỏ nhựa có thể tăng thêm sức chở đáng kể, vận tốc sẽ nhanh hơn, thêm vào đó là hạn chế được hà bám vào thành tàu.
Tại Việt Nam, tàu vỏ composite còn rất ít, tính tổng của cả nước vẫn chưa vượt qua 3 con số. Xét về hiệu quả kinh tế, riêng chi phí phần vỏ tàu composite cao hơn vỏ gỗ từ 20-30% nhưng có thể sản xuất số lượng lớn, khi này giá thành có thể chỉ ngang với vỏ gỗ. Vì vậy, ông Vĩnh kiến nghị, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cho ngư dân vay vốn thay đóng tàu composite thay thế tàu vỏ gỗ để bảo vệ rừng đầu nguồn.
Ông Arata Izawa, chuyên gia về cá ngừ của Yanmar cho biết, ngoài cải tiến tàu đánh bắt, Yanmar sẽ hỗ trợ ngư dân kỹ thuật bảo quản cá. Muốn cá đạt chất lượng phải đảm bảo đúng kỹ thuật ngay từ khâu vớt cá lên tàu, khoang trữ cá giữ nhiệt tốt, cuối cùng là tính toán hợp lý thời gian đưa cá vào bờ.
Nếu đảm bảo chất lượng cá tốt thì có thể bán cá ngừ với giá cao hơn hiện nay, hiện tại là 50.000 đồng/kg. Mặt khác, theo thiết kế vỏ tàu mới và sử dụng máy móc mới hoàn toàn đạt vận tốc máy đạt 11,5 hải lý/giờ, (công suất tàu cá hiện nay chỉ đạt 8 hải lý/giờ) sẽ giúp mỗi chuyến ra khơi tiết kiệm nhiên liệu khoảng 30% so với tàu của ngư dân đang khai thác hiện tại.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, công nghệ đánh bắt và bảo quản cá ngừ của ngư dân đã lạc hậu, dẫn tới năng suất và giá thành thấp. Việt Nam đang có chủ trương từng bước thay thế đội tàu đánh bắt vỏ gỗ mục nát, máy móc cũ kĩ sang các loại tàu đóng bằng các vật liệu mới, máy móc thiết bị hiện đại.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành quyết định phê duyệt đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi giá trị.
Do vậy, công cụ để khai thác, bảo quản đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo mặt giá trị của sản phẩm cá ngừ đại dương Việt Nam cung cấp.
Nguồn: VnEconomy