Chiến lược phát triển VUSTA: Tập hợp sức mạnh sáng tạo
07/06/2010
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Chiến lược phát triển Liên hiệp các hội KH-KT Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020 được các thành viên Hội đồng Trung ương thông qua chiều 26/4 với sự nhất trí cao.
Đây là bản chiến lược đầu tiên của Liên hiệp các hội KH-KT Việt Nam (VUSTA) sau 27 năm thành lập và phát triển. Theo đó, 4 mục tiêu được đưa ra để đến năm 2020, VUSTA trở thành một tổ chức chính trị - xã hội, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đội ngũ trí thức KH-CN.
Thúc đẩy kinh tế tri thức
Với quan điểm phát triển VUSTA là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức KH-CN Việt Nam, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương; tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức KH-CN trong và ngoài nước, góp phần đưa KH-CN trở thành động lực của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Theo đó, bản Chiến lược nêu rõ VUSTA giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH-CN; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên hoạt động trong các hội; là nhân tố quan trọng đưa KH-CN trở thành động lực phát triển nền kinh tế tri thức, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Tăng, Phó Chủ tịch VUSTA nhìn nhận: “Việc xác định rõ đường đi, hiểu rõ sứ mệnh sẽ giúp cho tổ chức này xác định được giải pháp để hướng tới”.
Theo bản Chiến lược, VUSTA có sứ mệnh đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức thành viên, của trí thức KH-CN; khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức thành viên, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho trí thức KH-CN tham gia phát triển xã hội, nâng cao nhận thức của công chúng về KH-CN; cống hiến vào sự phát triển của quốc gia thông qua phân tích, đánh giá độc lập, khách quan những vấn đề quan trọng của đất nước.
Thực tế, Đảng, Nhà nước ngày càng coi trọng đội ngũ trí thức. Hiện đội ngũ trí thức KH-CN tại Việt Nam có hơn 2,6 triệu người. Bên cạnh đó, rất nhiều trí thức kiều bào cũng mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc.
Thực hiện linh hoạt
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá, bản Chiến lược đã đạt được sự đồng thuận cao của các thành viên hội đồng. Vấn đề còn lại là thực hiện cho được mục tiêu này.
Cùng chung quan điểm này, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: quan trọng nhất là hành động cụ thể thực hiện chiến lược đó như thế nào.
Theo GS Trần Ngọc Hùng, bên cạnh Chiến lược phát triển, VUSTA cần xác định thêm các quy chế, phương pháp làm việc và sự phối hợp với các cơ quan khác. Ví dụ, muốn tư vấn, phản biện và giám định xã hội thì phải có quy chế làm việc loại dự án nào phải phổ biến để lấy ý kiến tư vấn phản biện. “Có như vậy, hoạt động này mới được các cơ quan chú trọng khi triển khai dự án”, giáo sư Hùng kiến nghị.
VUSTA là tổ chức rất lớn và có nhiều nhà khoa học, trí thức hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì thế, theo giáo sư Trần Ngọc Hùng, các thành viên của VUSTA nên chia theo lĩnh vực, theo ngành để phối hợp cùng nhau và VUSTA đóng vai trò là cơ quan đầu mối.
Minh chứng là việc phản biện Quy hoạch thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Luật Thủ đô vừa được VUSTA cùng các hội ngành thực hiện đã tạo được tiếng vang.
“Đây là một trong những ví dụ cụ thể để thấy, nếu đưa ra những hành động cụ thể, việc đạt được mục tiêu chiến lược không phải quá khó”, GS Trần Ngọc Hùng đánh giá.
4 mục tiêu phát triển: - Xây dựng VUSTA trở thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh của trí thức KH-CN có hệ thống từ trung ương đến địa phương - Thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và hỗ trợ nhu cầu phát triển của các thành viên trong hệ thống -Trở thành nhân tố quan trọng đưa KH-CN trở thành động lực quyết định phát triển bền vững đất nước - Trở thành đối tác có uy tín của các tổ chức trong nước và quốc tế; là một đầu mối quan trọng trong công tác vận động, thu hút trí thức Việt kiều tham gia phát triển đất nước |
ĐT (Theo BAODATVIET.VN)