Hai cá nhân nhận Giải thưởng Kovalevskaya 2013
07/03/2014
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Theo tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giải thưởng Kovalevskaya 2013 sẽ được trao cho hai nhà khoa học: PGS.TS Lê Thị Luân – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế và PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Bộ GTVT.
PGS.TS Lê Thị Luân, một trong hai nhà khoa học nhận Giải thưởng Kovalevskaya 2013.
PGS.TS Lê Thị Luân (1962) là người giữ vai trò quan trọng trong các nghiên cứu liên quan đến việc chế tạo và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vaccine Rota theo tiêu chuẩn cập nhật quốc tế, đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai của Châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vaccine phòng tả này.
Công trình nghiên cứu tạo chủng virus Rota giúp Việt Nam chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vaccine Rota mà không cần phải đợi chuyển giao công nghệ hay nhập ngoại do bà và các đồng nghiệp hoàn thành năm 2005 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Mỹ, đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Kể từ khi vaccine Rota do Việt Nam sản xuất được đưa ra thị trường cho trẻ em uống hồi tháng 8/2012 đến nay, gần 100.000 liều đã được sử dụng mà chưa xảy sự cố nào.
Công trình này được cho rằng sẽ giúp giảm gần 7.000 ca tử vong mỗi năm ở trẻ dưới 5 tuổi, và giảm khoảng 140.000 lần trẻ phải nhập viện do virus Rota.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy (1958) là người nghiên cứu thành công các quy trình sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 10 năm, và sơn men tuổi thọ lớn hơn 15 năm, đã được đưa vào ứng dụng thực tế từ năm 1994 đến nay ở cầu Chương Dương, cầu Đuống (Hà Nội), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) và nhiều cầu đường sắt, đường bộ khác.
Đặc biệt, quy trình công nghệ sản suất sơn men tuổi thọ lớn hơn 15 năm của bà sử dụng nhựa than đá và khoáng mica của Việt Nam để nâng cao khả năng chống thấm và chống ăn mòn của màng sơn, bảo vệ tốt cho kết cấu thép khu vực ăn mòn cao như trong lòng đất, khu vực mớn nước thay đổi của nước biển... Công trình này đã được xét tặng giải nhì VIFOTEC (Sáng tạo Khoa học Việt Nam) năm 2013.
Hiện bà đang nghiên cứu chế tạo sơn có sử dụng nano với tuổi thọ lớn hơn 15 năm.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, Giải thưởng Kovalevskaya trị giá 3.000 USD, và chủ nhân giải thưởng được yêu cầu sử dụng khoản tiền này cho nghiên cứu khoa học.
Lễ trao giải sẽ diễn ra đúng vào sáng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại Hà Nội.
Giải thưởng mang tên nhà toán học gốc Nga Kovalevskaya (1850 – 1891) được trao thường niên kể từ năm 1985 nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống. Giải thưởng được trao ở tám nước đang phát triển là: Peru, El Salvador, Nicaragua, Mexico, Cuba, Nam Phi, Mozambique và Việt Nam, với sự đóng góp tài chính ban đầu của hai vợ chồng giáo sư người Mỹ Ann và Neal Koblitz. 29 năm qua, đã có 41 cá nhân và 17 tập thể các nhà khoa học nữ Việt Nam được nhận giải thưởng. |
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng