SpStinet - vwpChiTiet

 

Nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn của Việt Nam

"Việt Nam đang hội nhập sâu hơn, chấp nhận hội nhập là chấp nhận cạnh tranh. Vì thế, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là yếu tố sống còn".

Toàn cảnh lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh điều này tại lễ công bố Báo cáo “Việt Nam 2035 – Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” sáng 23/2.
 
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cùng đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và nước ngoài.
 
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim chính thức công bố báo cáo Việt Nam 2035. 
 
Với chủ đề: "Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" - Báo cáo Việt Nam 2035" thể hiện khát vọng mạnh mẽ, đến năm 2035 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, công bằng và dân chủ.
 
Báo cáo có 7 chương trong đó nội dung nêu rõ về 30 năm đổi mới và khát vọng Việt Nam; hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; xây dựng thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả...
 
Phát biểu khai mạc tại buổi công bố, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Việt Nam nên và cần làm gì để nắm bắt thời cơ, vượt lên thử thách, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thoát bẫy thu nhập trung bình, đảm bảo công bằng xã hội, gìn giữ môi trường sinh thái, để trở thành miền đất đáng sống, tuy có thể Việt Nam không giàu có nhất về vật chất. Câu hỏi được đặt ra là tiền đề để xây dựng báo cáo Việt Nam 2015. Đây là sáng kiến của chủ tịch Ngân hàng thế giới và Thủ tướng Việt Nam”.
 
Giới thiệu tóm tắt báo cáo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu rõ: chỉ 10 năm nữa Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng. Cùng với đó, những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên khoáng sản .... không còn nhiều lợi thế. Vì thế không còn cách nào khác Việt Nam phải đổi mới.
 
Thêm nữa, Việt Nam đang hội nhập sâu hơn, chấp nhận hội nhập là chấp nhận cạnh tranh. "Vì thế, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là yếu tố sống còn. Việt Nam phải đổi mới hơn nữa nếu không muốn tụt hậu lại phía sau và rơi vào bẫy thu nhập trung bình” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
 
Báo cáo cũng nêu rõ 3 trụ cột phát triển đó là: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững và môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình.
 
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không ít. Lựa chọn duy nhất của Việt Nam hiện giờ là cải cách dựa trên các trụ cột trên. Không thực hiện được những cải cách đó, chúng ta không thể khai thác cơ hội, không thể vượt qua thách thức và nguy cơ tụt hậu xa hơn, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó tránh khỏi”.
 
Trước đó ngày 17/04/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Báo cáo “Việt Nam 2030” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh làm Phó Trưởng ban.
 
Thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
 
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, đôn đốc và phối hợp hoạt động của các bộ, ngành; phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Báo cáo “Việt Nam 2030”.
 
Báo cáo nghiên cứu sâu về ba trụ cột phát triển nêu trên và sáu chuyển đổi lớn, phác thảo chiến lược phát triển thích hợp với xuất phát điểm của một nước có thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, nhằm đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao hoặc cận trên của nước công nghiệp trung bình cao đến năm 2035.
Nguồn: khoahocphattrien.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả