SpStinet - vwpChiTiet

 

Kết nối chuyển giao công nghệ khí canh nhân giống và sản xuất sinh khối dược liệu

Sự kiện Hợp tác công nghệ "Quy trình nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh" sẽ được Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức vào ngày 26/11 sắp tới, trên cơ sở khảo sát các nhu cầu của doanh nghiệp về hợp tác, ứng dụng chuyển giao công nghệ này.

Quy trình là kết quả từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của TP.HCM, do Viện Sinh học Nông nghiệp Tất Thành (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) nghiên cứu, ứng dụng thành công trong nhân giống và sản xuất sinh khối dược liệu cây đinh lăng và cây thìa canh. Quy trình cũng được ứng dụng trên một số cây trồng khác như khoai tây, xà lách, cà rốt, cà chua,…

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch (chủ nhiệm đề tài), quy trình nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh tiến hành trong điều kiện nhà màng, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, nên có thể nhân nhanh một số cây dược liệu quanh năm. Công nghệ khí canh mang lại chất lượng cây giống tốt, đồng đều, sản lượng cây giống lớn, hệ số nhân giống cao, tỷ lệ chồi ra rễ cao (đạt 96%) và tỷ lệ sống của cây con cao vượt trội (đạt 95%) so với các công nghệ khác. Ngoài ra, quy trình tự động, khép kín giúp kiểm soát tốt môi trường dinh dưỡng và dịch bệnh trong nhân giống và sản xuất sinh khối theo quy mô lớn. Trong đề tài này, sinh khối thực thu ở cây đinh lăng là 2,2 kg/m2 và hệ số nhân giống lên đến 43,17 cây giống/cây mẹ. Tổng số cây con nhân giống bằng công nghệ khí canh thu được trong 1 năm lên tới 2.400 cây/20 cây/m2

Rễ cây đinh lăng trên hệ thống khí canh.

Công nghệ nhân giống bằng khí canh là bước đột phá trong lĩnh vực nhân giống cây trồng, công nghiệp hóa nền nông nghiệp. Công nghệ này tích hợp công nghệ sinh học, tin học và tự động hóa, có thể thay thế phương pháp nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào do có lắp đặt hệ thống lọc khử trùng dung dịch và không khí buồng trồng. Hàng trăm loài cây trồng đã được nghiên cứu nhân giống và thương mại hóa thành công bằng phương pháp này, đặc biệt hiệu quả đối với những cây có khả năng ra rễ kém. Vì vậy, việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ, cải tiến và áp dụng thành công ở Việt Nam là vấn đề hết sức cần thiết.

Quy trình nhân giống bằng khí canh vận hành tự động, khép kín giúp kiểm soát tốt các yếu tố dinh dưỡng, pH, nhiệt độ và dịch bệnh cho cấy giống; sản lượng cao và chất lượng cây giống tốt; cây con sau khi đạt tiêu chuẩn xuất vườn có thể sử dụng hệ thống khí canh để tiếp tục trồng nhằm mục tiêu thu sinh khối (thân lá, rễ, củ) đem lại hiệu quả và năng suất cao, phù hợp với đối tượng cây dược liệu; chi phí đầu tư và nhân công thấp. Đến với chương trình Hợp tác công nghệ, nhóm tác giả đã sẵn sàng chuyển giao quy trình kỹ thuật, thiết bị vận hành đến các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác.

Cây dược liệu thìa canh ứng dụng công nghệ khí canh.

Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) cho biết, sự kiện Hợp tác công nghệ nhằm giới thiệu các giải pháp công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ đến các đơn vị sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất. Qua khảo sát nhu cầu thực tế của nhiều doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ nhân giống để sản xuất dược liệu, CESTI sẽ tổ chức chương trình Hợp tác công nghệ “Quy trình nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh” (tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM - 79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM) nhằm kết nối các bên cung - cầu công nghệ để ứng dụng quy trình này vào sản xuất nhằm tạo ra lượng lớn cây giống và sản xuất sinh khối cây dược liệu quy mô lớn, phục vụ cho thị trường dược liệu trong nước.

Chương trình sẽ giới thiệu chi tiết về quy trình nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh (lợi ích và tiềm năng phát triển công nghệ khí canh trong nông nghiệp, quy trình kỹ thuật và thiết bị dùng trong nhân giống và sản xuất sinh khối cho cây dược liệu, kết quả ứng dụng công nghệ khí canh trên cây dược liệu và một số loại cây trồng khác, ưu điểm công nghệ và hiệu quả kinh tế). Trên cơ sở này, sẽ có các trao đổi thảo luận về khả năng, phương án hợp tác, đầu tư, chuyển giao; ký kết các biên bản ghi nhớ phục vụ cho quá trình chuyển giao công nghệ.

Các đơn vị, cá nhân có nhu cầu đầu tư, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ có thể đăng ký tham gia tại đây, hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (Phòng Cung cấp thông tin), 79 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Điện thoại: 028 3824 3826 (Hải Yến), 0909283777 (Thái Hà). Email: hoptaccongnghe@cesti.gov.vn

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả