Công bố bảo hộ chỉ dẫn địa lý nón lá Huế
12/11/2010
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Vừa qua, Sở KH&CN Thừa Thiên - Huế phối hợp với Hội Nón lá Huế đã tổ chức Lễ công bố văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm nón lá của tỉnh Thừa Thiên - Huế và trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý.
Đến dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Chánh Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng Huỳnh Minh Nhật, Chủ tịch Hội Nón lá Nguyễn Thị Thúy Hòa, Giám đốc Sở KH&CN Trần Ngọc Nam cùng đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh, đại diện UBND các xã thuộc khu vực mang chỉ dẫn địa lý.
Nón lá cùng với chiếc áo dài là vật dụng gắn bó mật thiết với người phụ nữ và được coi là y phục dân tộc của người phụ nữ Việt Nam. Nón lá có ở 3 miền, nhưng với Huế thì chiếc nón lá đã thể hiện được nét đẹp của cả một vùng văn hóa và đã trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng, thanh mảnh, duyên dáng của người phụ nữ Huế.
Ngày 19/7/2010, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ký Quyết định số 1347/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00020 cho sản phẩm nón lá “Huế”. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế là đơn vị tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm nón lá.
Khu vực địa lý của nón lá Huế bao gồm vùng nguyên liệu lá nón: huyện A Lưới và huyện Nam Đông; vùng nguyên liệu làm vành nón: xã Bình Điền thuộc huyện Hương Trà; vùng sơ chế nguyên liệu lá nón: phường Phước Vĩnh và thôn Đốc Sơ, phường An Hòa thuộc thành phố Huế; vùng sản xuất khung (khuôn) chằm: phường Phước Vĩnh thuộc thành phố Huế và xã Phú Mỹ thuộc huyện Phú Vang; các làng nghề chằm nón lá: thôn Đốc Sơn, phường An Hòa thuộc thành phố Huế; thôn Mỹ Lam và thôn An Lưu, xã Phú Mỹ; thôn Đông Đỗ và thôn Đồng Di, xã Phú Hồ; thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An; thôn Thanh Dương, xã Phú Diên; thôn Truyền Nam, xã Phú An; thôn Dương Nỗ, xã Phú Dương thuộc huyện Phú Vang; làng Thanh Tân, xã Phong Sơn thuộc huyện Phong Điền; làng Hương Cần, xã Hương Toàn thuộc huyện Hương Trà; xã Thủy Thanh thuộc thị xã Hương Thủy; làng nón Phủ Cam, phường Phước Vĩnh thuộc thành phố Huế.
Các chỉ tiêu chất lượng chính của nón Huế: nón lá Huế màu trắng xanh, có những đường điểm xuyết màu xanh rất nhẹ theo chiều dọc lá, về cơ bản sắc màu nón lá Huế vẫn là trắng. Nón lá Huế mỏng, nhẹ, thanh tao, mềm mại, đẹp chắc, bền và cân đối. Trọng lượng trong khoảng 57,4-60,3 gram; đường kính nón trong khoảng 40,7-41,8 cm; chiều cao nón trong khoảng 17,5-18,8 cm...
Dù xuất hiện ở đâu, chiếc nón lá Huế vẫn mang đậm hồn quê, mang đậm hương đồng, gió nội của những làng nghề truyền thống, nơi đã sản sinh ra nó. Nón lá Huế từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của các nghệ sỹ Huế và của những người yêu Huế. Nón lá Huế có được danh tiếng như vậy là do có những đặc trưng riêng về màu sắc, kiểu dáng, kích thước, trọng lượng, độ bền... đã tạo nên sự khác biệt so với nón lá của các địa phương khác.
QA (Nguồn: Diệu Hà, Sở KH&CN Thừa Thiên - Huế)