SpStinet - vwpChiTiet

 

Tập huấn “ Điều tra nghiên cứu và phát triển theo phương pháp luận của OECD”

Ngày 17/8/2011, tại Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI) phối hợp với Chương trình Đối tác Đổi mới - Sáng tạo (IPP), dự án hợp tác phát triển song phương được Chính phủ Phần Lan và Việt Nam đồng tài trợ, tổ chức Lớp Tập huấn Điều tra nghiên cứu và phát triển (NC&PT) theo phương pháp luận của OECD.
 

Đây là Lớp Tập huấn nằm trong chuỗi hoạt động của NASATI nhằm mục đích nâng cao năng lực thống kê khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới, sáng tạo của Việt Nam làm nền tảng thúc đẩy và phát triển Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS).
Tới dự Lớp Tập huấn có: Ông Hannu Kokko- cố vấn trưởng dự án IPP; TS. Tạ Bá Hưng- Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia; TS. Hồ Ngọc Luận- Trưởng ban công tác địa phương; chuyên gia thống kê của Phần Lan Tero Luhtala và Mervi Niemi; ThS. Cao Minh Kiểm- Phó cục trưởng Cục Thông tin KH&CN; các đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN cùng gần 100 đại biểu và lãnh đạo đến từ 27 Sở KH&CN các tỉnh phía Bắc, các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, 8 trường đại học, 70 viện nghiên cứu và các cơ quan liên quan trong tổ chức triển khai thống kê KH&CN.
Phát biểu tại Lớp Tập huấn, TS. Tạ Bá Hưng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thống kê KH&CN, đặc biệt là với Việt Nam, một đất nước vẫn chưa có tên trên bản đồ thống kê KH&CN thế giới. Việt Nam đã tiến hành thống kê KH&CN nhưng chưa bài bản và đem lại hiệu quả thực sự. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể yên tâm về những con số thống kê được thông báo. Từ khi được Bộ KH&CN chính thức giao nhiệm vụ hỗ trợ Bộ trưởng trong quản lý thông tin KH&CN nói chung và thống kê KH&CN nói riêng, NASATI đã tiến hành mở ra một hướng phát triển mới cho lĩnh vực này. Trong 2 năm qua, NASATI đã tiến hành củng cố pháp lý với phương pháp luận thích hợp để triển khai quản lý thông tin KH&CN. Cục trưởng cũng nhấn mạnh, để có một hiệu quả cao thì phương pháp triển khai đóng vai trò hết sức quan trọng. Tới nay, Cục đã bước đầu hoàn thiện được 4 công cụ quan trọng. Đó là xây dựng hệ thống chỉ tiêu KH&CN; phân loại thống kê KH&CN; chế độ báo cáo thống kê KH&CN và xây dựng chương trình điều tra thống kê KH&CN phù hợp với chương trình điều tra chung của Nhà nước theo nhu cầu của quản lý kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo Cục trưởng, các công cụ này sẽ không có ý nghĩa nếu không được vận hành bởi một đội ngũ cán bộ am hiểu về công tác thống kê KH&CN trên cả nước. Vì vậy NASATI tổ chức Lớp Tập huấn nhằm trang bị kiến thức, công cụ đầy đủ cho cán bộ làm công tác thống kê, hình thành một mạng lưới cán bộ vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc để triển khai nhiệm vụ sắp tới trên diện rộng.
Cũng tại Lớp Tập huấn, Ông Hannu Kokko đã chia sẻ về kinh nghiệm đổi mới sáng tạo của Phần Lan, công tác đã giúp nước này từ một nước nông nghiệp của những năm 1960 trở thành một trong những nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trên thế giới. Các chuyên gia nước bạn bày tỏ sự vui mừng khi được giúp đỡ và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình, giúp Việt Nam thực hiện thành công chương trình đổi mới sáng tạo KH&CN quốc gia. Mục tiêu của IPP là đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, dựa trên nền kinh tế tri thức.
Trong 1 ngày tập huấn, cán bộ từ các sở, viện, trường đại học và các tổ chức liên quan được trang bị những kiến thức cơ bản về thống kê KH&CN Việt Nam như: khuôn khổ pháp lý hoạt động thống kê KH&CN của Việt Nam; tổng quan về thống kê KH&CN và đổi mới; một số nét về Điều tra NC&PT của Việt Nam; phương pháp luận của OECD về điều tra NC&PT; hướng dẫn điền phiếu điều tra thử nghiệm về NC&PT. Bên cạnh đó, NASATI còn cung cấp cho các chuyên gia trong lĩnh vực này Cẩm nang FRASCATI- thực tiễn về tiêu chuẩn đề xuất cho các cuộc điều tra NC&PT thực nghiệm. Đồng thời, học viên tham gia tập huấn có cơ hội trao đổi cởi mở với các chuyên gia thống kê Phần Lan về các khúc mắc trong quá trình triển khai công tác nghiên cứu thống kê KH&CN.
Lớp Tập huấn là một diễn đàn không chỉ cung cấp tầm nhìn sâu rộng cho các chuyên gia trong nước về lĩnh vực phát triển thống kê KH&CN mà còn tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và các tổ chức liên quan tới triển khai thống kê KH&CN được tiếp cận với các phương pháp tiên tiến và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về điều tra NC&PT.
Nguồn:  Cục Thông tin KH&CN Quốc gia

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả