Giải thưởng sáng chế TPHCM: Cần theo hướng chuyên nghiệp hơn
26/07/2012
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Vừa qua, Sở KH-CN TPHCM đã tổ chức trao 9 giải thưởng cho các cá nhân, tập thể đoạt giải sáng chế năm 2011. Đây là năm thứ ba giải thưởng sáng chế TPHCM được tổ chức thử nghiệm (2008, 2009, 2010-2011) với mục đích thúc đẩy thương mại hóa các công nghệ đã được bảo hộ độc quyền cho các chủ thể Việt Nam. Tuy nhiên, sau 3 năm thử nghiệm, số lượng các sáng chế tham dự giải được ghi nhận là chưa nhiều.
Cụ thể, trong năm 2008 có 9 bằng độc quyền đăng ký tham dự, năm 2009 có 12 bằng và đến giai đoạn 2010-2011 (giải thưởng được tổ chức 2 năm một lần, xen kẽ là hội thi sáng tạo kỹ thuật) cũng chỉ có 22 bằng độc quyền nộp đơn xét giải thưởng. Ông Đào Minh Đức, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ (Sở KH-CN), cho biết, hạn chế lớn nhất trong công tác tổ chức giải thưởng chủ yếu do đang trong giai đoạn thử nghiệm và đối tượng mục tiêu (chủ sở hữu và tác giả các bằng độc quyền) lại chưa đông đảo về số lượng, nên hoạt động chủ yếu hướng đến các đối tượng mục tiêu thay vì hướng ra cộng đồng. Do đó, mức độ phổ quát thông tin giải thưởng đến các nhà khoa học, nhà sáng chế khác vẫn còn thấp. Đặc biệt, cũng theo ông Đức, đa phần các sáng chế xuất phát từ thực tiễn sản xuất của nông dân, doanh nghiệp nhỏ, nên tính thương mại thường không cao…
Ban tổ chức giải thưởng cần cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hơn, để giải thưởng sáng chế nói riêng và hoạt động sáng chế nói chung trở nên gần gũi, quen thuộc hơn với đông đảo công chúng .
Thực tế chứng minh, các sáng chế sau khi đoạt giải đã nhận được khá nhiều hỗ trợ từ các đơn vị trực thuộc Sở KH-CN TPHCM như Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phòng Sở hữu trí tuệ… Đặc biệt, với sự ra đời của Sàn giao dịch công nghệ mới, đây được xem là điều kiện để nâng cao tính thương mại cho các sáng chế đạt giải. Điểm đáng ghi nhận, tỷ lệ thương mại hóa các sáng chế sau khi nhận giải thưởng này thường cao hơn so với các giải thưởng khác. Cụ thể, trong số 10 bằng độc quyền đoạt giải qua 2 năm 2008-2009, có 5 sáng chế tiếp tục mở rộng quy mô thương mại, 2 sáng chế tự sản xuất duy trì thị trường, 2 sáng chế đang xúc tiến đàm phán chuyển nhượng bằng độc quyền. Trong đó sáng chế Bộ điều chỉnh thanh xát tự động dùng cho bộ phận xát máy xát gạo trắng của Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ là ví dụ điển hình. Sau khi đoạt giải nhất sáng chế vào năm 2009, công ty nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ ban tổ chức để hoàn thiệt kỹ thuật và sản xuất đại trà ra thị trường. Chưa đầy 2 năm sau, sản phẩm đã xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia…
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng, giải thưởng sáng chế không chỉ là sân chơi hữu ích cho các nhà sáng chế, các doanh nghiệp mà còn giúp thành phố (TP) nắm rõ thực trạng phát triển KH-CN của TP qua từng năm. Tuy nhiên, số lượng sáng chế được ghi nhận là quá ít so với nhu cầu phát triển của TP hiện nay. Cần nhiều hơn các sáng chế có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thay thế dần việc nhập máy móc và linh kiện từ nước ngoài.
Nguồn: SGGP