Vòng chung kết có 25 đội tham gia tranh tài, được lựa chọn từ 200 đội thi trước đó. Các ý tưởng đổi mới sáng tạo của các đội thi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quản lý doanh nghiệp, tổ chức giáo dục đến những cải tiến sáng tạo trong các ngành dịch vụ, tài chính, giải trí, giao thông,...
Kết quả, ban tổ chức đã trao giải nhất trị giá 15.000 USD cho dự án Share Car For Ads (quảng cáo trên xe cá nhân) của tác giả Lê Mai Tùng và Vương Thảo Nguyên. Dự án này mở ra một mô hình quảng cáo trên xe ô tô cá nhân, trong đó nhà quảng cáo chi trả dựa trên quãng đường mà xe chạy mỗi tháng với mọi thông tin về hiệu quả quảng cáo đều được minh bạch và tối ưu hóa cho khách hàng: tổng quãng đường và địa điểm xe chạy, quảng cáo tiếp cận được với bao nhiêu người,...
Các đội được trao giải tại cuộc thi.
Giải nhì thuộc về dự án DropDeck (nền tảng website kết nối đầu tư) của Võ Việt Anh. Đây là nền tảng công nghệ thông minh dùng trí tuệ nhân tạo và công nghệ Blockchain để tính điểm, xếp hạng các doanh nghiệp đang gọi vốn và nhà đầu tư, giúp tương tác hiệu quả giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp gọi vốn. Giải ba trao cho dự án Smart Modular Parking Lot của Phan Văn Hán và Hà Thị Lan Anh. Đây là dự án bãi đỗ xe thông minh ứng dụng công nghệ IoT để tối ưu hóa không gian đỗ xe, có khả năng tăng 175% chỗ đậu xe trên một mặt bằng ngang và mở rộng thêm nhiều tầng, giúp chủ phương tiện có một hệ thống an toàn, tiện lợi, tiết kiệm thời gian đỗ xe và chi phí đầu tư.
Ngoài ra, dự án DropDeck cũng đoạt giải quốc tế hóa cao nhất của cuộc thi. Giải quốc tế hóa chú trọng vào khả năng triển khai toàn cầu của ý tưởng đổi mới sáng tạo của dự án, từ đó dự án có thể ứng dụng ở nhiều quốc gia khác nhau với các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau.
Mô hình bãi đậu xe thông minh được giới thiệu tại cuộc thi. Ảnh: LV.
Swiss Innovation Challenge Việt Nam là cuộc thi do chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, được tổ chức tại Việt Nam thông qua Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sỹ phối hợp với Chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh – chuyên ngành tư vấn quản lý quốc tế và đổi mới sáng tạo EMBA-MCI (trực thuộc Đại học Bách Khoa TP.HCM). Cuộc thi cũng được sự đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Trải qua 9 tháng thi đấu, với sự huấn luyện, thử thách từ các giáo sư trong ngoài nước dày dạn kinh nghiệm, các doanh nhân thành đạt, các cố vấn, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các đội đã có cơ hội hoàn thiện ý tưởng của mình, để các ý tưởng sắc bén hơn, khả thi hơn, hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Đặc biệt, ở cuộc thi năm nay, tính quốc tế hóa được chú trọng với việc viết và hoàn thiện dự án, thuyết trình và trả lời các câu hỏi hoàn toàn bằng tiếng Anh trước hội đồng giám khảo quốc tế, các đội được thực tập cơ hội gọi vốn, quảng bá dự án ở sân chơi quốc tế.