Trước thềm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, nhằm cung cấp thông tin cơ hội, thách thức cũng như chia sẻ, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm về Hiệp định, tọa đàm "Chính sách Thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện EVFTA" đã được Báo Hải quan và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức ngày 2/7, tại Hà Nội.
Đón "sóng" cơ hội
Cụ thể, về thuế NK, Việt Nam sẽ cam kết xóa bỏ thuế NK ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch NK từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch NK từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạnh thuế quan của WTO. Về cam kết thuế XK của Việt Nam, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế XK với hàng hóa XK sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế XK tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như dầu thô, than đá.
Với một lộ trình cắt giảm thuế cụ thể ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi, mang lại lợi ích cho cả hai bên, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết; đặc biệt lợi ích này có ý nghĩa rất lớn khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Đặc biệt, Hiệp định sẽ giúp kim ngạch XNK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42% vào năm 2025 và 44,3% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch NK từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn XK, khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Công Thương, EVFTA sẽ mang lại những cơ hội khác như để Việt Nam cải cách thể chế, pháp luật tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; mặt khác không chỉ gia tăng số lượng việc làm, mà tiền lương của người lao động được dự báo sẽ tăng hơn, trong đó mức lương của các DN FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với DN trong nước; giúp hình thành chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một số đối tác quan trọng.
Đặc biệt, môi trường đầu tư sẽ mở hơn, thuận lợi hơn, trong đó triển vọng XK hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, khá thận trọng khi nhận định về khả năng thu hút FDI từ EU, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh: “Sẽ không diễn ra tình trạng đầu tư ồ ạt, mà các nhà đầu tư từ EU sẽ có sự chuyển dịch theo lộ trình, với tính toán chặt chẽ".
Lợi ích mà EVFTA mang lại là rất lớn, song ông Ngô Chung Khanh cho rằng, tất cả không chỉ toàn là màu hồng. Thực tế, Việt Nam mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định, nhất là với DN và hàng hóa trong nước; rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa NK từ EU rất phức tạp, khắt khe. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, EU đang đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng đến ký kết các đơn hàng XNK giữa hai bên, cản trở hoạt động xúc tiến thương mại; nhu cầu trao đổi hàng hóa bị hạn chế.
Tạo thuận lợi thương mại về xuất nhập khẩu
Trong Hiệp định EVFTA, ngoài các cam kết về các dòng thuế, với lĩnh vực hải quan có sự cam kết rất chặt chẽ, nhằm tạo thuận lợi thương mại, giao thương hàng hóa, XNK của doanh nghiệp hai bên. Đặc biệt là cam kết về các cơ chế hợp tác hải quan giữa các bên để kiểm soát và đảm bảo hàng hóa XNK hợp pháp, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, nhất là vận chuyển hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Với ý nghĩa đó, nhằm tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp trong XNK, đề cập đến các quy định thủ tục hải quan khi EVFTA có hiệu lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, thời gian qua, ngành hải quan đã triển khai một số chương trình lớn nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như: chương trình đối tác hải quan, doanh nghiệp; chương trình doanh nghiệp ưu tiên; đối thoại hải quan – doanh nghiệp các cấp; tham vấn doanh nghiệp về xây dựng pháp luật; cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới; kiểm tra chuyên ngành và vai trò chủ trì xây dựng, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.
Đồng thời, theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, hiện ngành hải quan cũng đang tái thiết hệ thống công nghệ thông tin để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đáp ứng yêu cầu tốt hơn trong quản lý ngành và phục vụ doanh nghiệp. “Ngành hải quan đã và đang tích cực triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, hoàn thiện thể chế pháp luật về hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của các doanh nghiệp và của nền kinh tế” – ông Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh.
Nhằm thúc đẩy thực hiện cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan trong Hiệp định, thông tin từ Vụ Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Hải quan: ngành hải quan sẽ thiết lập các đầu mối hợp tác với từng cơ sở hải quan thành viên EU, đề xuất các hoạt động hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực nghiệp vụ, hỗ trợ kỹ thuật; xây dựng kết hoạch hợp tác với các thành viên EU gồm trao đổi thông tin, hỗ trợ công tác chống buôn lậu, đề xuất các địa bàn trọng điểm, mặt hàng chiến lược tập trung trao đổi thông tin. Các nội dung trên sẽ được đưa vào Kế hoạch thực hiện Hiệp định của Tổng cục Hải quan và dự kiến sẽ được ban hành sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Trong lộ trình đi đến thực thi Hiệp định, cộng đồng doanh nghiệp EU hiện cũng đang rất mong đợi các ưu đãi mà Hiệp định mang lại; đặc biệt giới doanh nghiệp EU rất quan tâm đến các cam kết của Việt Nam về tạo thuận lợi thương mại cho hoạt động XNK. Ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch EuroCham cho hay: doanh nghiệp EU đang quan tâm đến 3 vấn đề của Việt Nam, đó là: Cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, trong đó có các thủ tục hải quan, thuế. “Thời gian qua, doanh nghiệp EU đánh giá rất cao công tác cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam, nhất là việc rút ngắn hoạt động thông quan đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN rất lơn cho DN”- ông Minh nói.
Tới đây, theo dự kiện, ông Nguyễn Hải Minh thông tin, khi EVFTA có hiệu lực, EuroCham và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ thành lập Hội đồng kinh tế Việt Nam – EU nhằm kết nối năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên nhiều hơn; gia tăng cơ hội giao thương, XNK hai chiều.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng: Ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Để doanh nghiệp sớm được hưởng lợi từ Hiệp định, ngành hải quan cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. |
Nguồn: Hoa Quỳnh - congthuong.vn