Tham dự buổi Tọa đàm có các cán bộ chủ chốt của Cục, đại diện một số cơ quan có liên quan trong và ngoài Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện một số doanh nghiệp, đại diện sở hữu trí tuệ, một số cán bộ lãnh đạo cao cấp của Cục đã nghỉ hưu, phóng viên và biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu mở đầu Tọa đàm, Cục trưởng Đinh Hữu Phí điểm lại lịch sử xây dựng và phát triển của Cục. Từ một đơn vị mới thành lập với 27 cán bộ năm 1982, trải qua 35 năm phát triển, hiện nay Cục Sở hữu trí tuệ đã trở thành một đơn vị lớn mạnh với 21 đơn vị trực thuộc, 335 cán bộ, công chức và người lao động làm việc tại trụ sở chính tại Hà Nội và 2 Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng như các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp (SHCN), cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của khoa học, công nghệ nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung trong thời kỳ hội nhập. Trong giai đoạn lịch sử 35 năm đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã trưởng thành và lớn mạnh không ngừng, khẳng định được vai trò là cơ quan đầu mối trong hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và trực tiếp quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp – nhiệm vụ trọng tâm của Cục Sở hữu trí tuệ được Cục thực hiện với rất nhiều nỗ lực. Mặc dù nguồn nhân lực và điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn trong khi số lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHCN liên tục gia tăng nhanh chóng nhưng toàn thể công chức và người lao động của Cục luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với công tác xác lập quyền, các công tác khác cũng được Cục triển khai toàn diện và hiệu quả như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; đẩy mạnh công tác thông tin sở hữu công nghiệp; tham gia đàm phán hàng loạt các FTA có nội dung về SHTT, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia về SHTT, v.v.. Trong giai đoạn này, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO kể từ ngày 11/01/2007 (trong đó Cục SHTT góp phần quan trọng trong quá trình đàm phán nội dung về SHTT).
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại Tọa đàm
Cục trưởng Đinh Hữu Phí nhận định, cùng với sự phát triển của lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ thời gian qua đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận như trên nhưng hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ vẫn còn tồn tại những vấn đề cần khắc phục để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận xoay quanh những mảng công việc chính của Cục Sở hữu trí tuệ như: thực trạng hoạt động xác lập quyền SHCN, những tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại trong hoạt động xác lập quyền SHCN và phương hướng khắc phục; hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin SHCN của Việt Nam, hiệu quả của việc sử dụng thông tin SHCN phục vụ hoạt động xác lập quyền SHCN và phát triển kinh tế - xã hội, những hạn chế cần khắc phục của hệ thống thông tin và việc sử dụng, khai thác hệ thống thông tin; kết quả và hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động hỗ trợ bảo hộ, quản lý và khai thác quyền SHCN; những thành tựu của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về SHTT, những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật SHTT. Cùng với việc nêu lên thực trạng của các mảng công việc, các chuyên gia đều đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để đẩy mạnh hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ. Có thể kể đến một số giải pháp nhằm từng bước rút ngắn thời hạn xử lý đơn như: sớm khắc phục tình trạng tồn đọng đơn; đảm bảo chất lượng xử lý đơn; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn, minh bạch hóa quy trình xử lý đơn đăng ký xác lập quyền; cải tiến trình tự xử lý đơn, chuyên môn hoá theo công đoạn; thay thế cơ chế thủ trưởng trực tiếp quản lý chất lượng bằng quản lý theo ISO 9001; chú trọng công tác tuyển dụng và đào tạo thẩm định viên; các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả nguồn thông tin SHCN thông qua việc phát triển các nguồn lực cho hoạt động thông tin SHCN, tăng cường tập huấn kỹ năng khai thác thông tin SHCN cho các đối tượng trong xã hội.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm cũng đã đóng góp rất nhiều ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Cục như: cần xây dựng quy trình xử lý công việc hoàn chỉnh; minh bạch hóa thông tin dựa trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác thẩm định đơn; tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật về SHTT cho xã hội...
Buổi Tọa đàm đã diễn ra rất sôi nổi trên tinh thần cởi mở, xây dựng. Buổi Tọa đàm kết thúc mở ra hy vọng về tương lai mà ở đó Cục Sở hữu trí tuệ trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong 35 năm xây dựng và phát triển sẽ thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần bảo đảm SHTT thực sự là công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.