Các diễn giả đã trình bày 5 báo cáo, gồm: Tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam và thế giới – giới thiệu hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp SIHUB tại TP.HCM (ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub – SIHUB); Mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đại học Quốc gia TP.HCM – giới thiệu một số yếu tố quyết định thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG-HCM); Nhu cầu khởi nghiệp về nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp hiện nay tại Đại học Nông lâm TP.HCM (bà Nguyễn Phú Hòa, Trung tâm Ươm tạo - ĐH Nông lâm TP.HCM); Hoạt động Eureka và định hướng khởi nghiệp ứng dụng – chuyển giao các kết quả nghiên cứu tiềm năng (ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ - Thành đoàn TP.HCM); Hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và thế giới - đề xuất một số chính sách và giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp thành công (bà Nguyễn Mai Hương, Co – Founder & Managing Partner Entrepreneur Empower Hub Việt Nam).
Ông Huỳnh Kim Tước trình bày tại hội thảo. Ảnh: LV.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM thời gian qua khá sôi nổi với nhiều mô hình hiệu quả, được nhân rộng. Các đơn vị hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng thể hiện được vai trò của mình. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp bắt đầu trên một nền tảng giáo dục, văn hóa khởi nghiệp chưa thực sự tốt, thiếu vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn. Với quan điểm giáo dục là nền tảng, khởi nghiệp muốn đi xa phải bắt đầu từ giáo dục, SIHUB đã triển khai nhiều hoạt động kết nối trường đại học, vườn ươm, định hướng giải quyết bài toán thị trường cho các sản phẩm nghiên cứu từ trường đại học, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ từ các trường đại học,…
Ông Nguyễn Anh Thi cho rằng, trong hệ sinh thái khởi nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp đóng vai trò chủ đạo, nhà nước có vai trò tạo ra sân chơi thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, còn đại học là nguồn cung/tạo ra các doanh nhân khởi nghiệp. Các trường đại học với nguồn lực về công nghệ, cơ sở vật chất/phòng thí nghiệm tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp vì nhu cầu phát triển của mình (nhu cầu chuyển giao công nghệ). Trong đó, việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp nhằm tạo ra các doanh nhân khởi nghiệp. Để hiệu quả, hệ thống hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp phải toàn diện, với dự án khởi nghiệp thật, trong môi trường thật, bằng các đối tác cốt lõi, nguồn lực cốt lõi, các hoạt động cốt lõi,… Nguồn lực cốt lõi chính là vai trò của KH&CN, ứng dụng KH&CN, sử dụng máy móc thiết bị để phát triển sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Thi trình bày báo cáo tại hội thảo. Ảnh: LV.
Tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ - ĐH Nông lâm TP.HCM, hiện có gần 20 thành viên là các doanh nghiệp phát triển từ việc ứng dụng nghiên cứu khoa học để sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển và thương mại hóa các ý tưởng thành doanh nghiệp khởi sự kinh doanh đã mang lại nhiều sản phẩm khởi nghiệp nông nghiệp thành công như chế phẩm sinh học, phân bón, đất sạch, sản phẩm chế biến thực phẩm, rau mầm, nấm các loại, giống cây trồng, sản phẩm dưỡng da từ sản phẩm nông nghiệp,… Các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp về nông nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa để nâng cao giá trị cạnh tranh và sản xuất của các doanh nghiệp ngày càng tăng trưởng về số lượng tại Trung tâm và các cuộc thi do ĐH Nông lâm tổ chức.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, khởi nghiệp phải bắt đầu từ ý tưởng và tạo ra được sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu xã hội, thị trường hoặc địa phương khu vực. Các ý tưởng hoặc nghiên cứu khoa học xuất phát từ trường đại học muốn khởi sự thành công luôn phải gắn với tư duy thị trường, được nhìn nhận như một câu chuyện về thị trường. Khởi nghiệp là quá trình, cần có các bước kết nối, chính sách hỗ trợ, nhưng ngay từ đầu phải “định vị” được thị trường, nghĩa là phát triển sản phẩm khởi nghiệp phải song song với phát triển thị trường KH&CN. Các cuộc thi, giải thưởng (như giải thưởng Eureka) cần tăng cường phối hợp trong đặt hàng nghiên cứu, chủ động liên kết trong chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học; liên kết các vườn ươm tuyển chọn các đề tài có khả năng khởi nghiệp để hỗ trợ sinh viên tiếp tục phát triển sản phẩm/nghiên cứu của mình sau khi đoạt giải. Ngoài ra, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, các đơn vị trong hệ sinh thái cần liên kết với nhau nhằm khai thác nguồn lực sẵn có; xây dựng đầu mối liên lạc/cơ quan chuyên trách để các doanh nhân khởi nghiệp tiếp cận chương trình hỗ trợ, quỹ đầu tư, thu hút vốn được dễ dàng thuận lợi hơn; lấy doanh nhân làm trung tâm, đưa doanh nhân vào quá trình xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư mạo hiểm, rút ngắn thủ tục đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ startup tiếp cận, mở rộng thị trường quốc tế, thị trường công; tạo điều kiện cho các trường đại học ươm tạo và đầu tư vào startup theo cơ chế thị trường;…