Tăng cường hợp tác song phương và đa phương về KH&CN
26/04/2014
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2020, số lượng các công trình công bố quốc tế được tạo ra từ các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu tăng trung bình 15 - 20%/năm; sáng chế được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và nước ngoài tăng trung bình 20%/năm.
Phòng nuôi cấy mô đặt tại Sở KH&CN Hải Dương. Ảnh: Tiến Dũng
Thủ tướng Chính phủ vừa kí Quyết định số 538/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020.
Mục tiêu chung của Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020 là nâng cao khả năng phối hợp, tiếp thu và làm chủ các thành tựu KH&CN tiên tiến, sáng tạo ra công nghệ mới, góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với giá trị gia tăng cao.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng nhanh số lượng các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoặc chủ trì các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài; số lượng các công trình công bố quốc tế được tạo ra từ các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu tăng trung bình 15 - 20%/năm; sáng chế được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và nước ngoài tăng trung bình 20%/năm...
Chương trình sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như: xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu có tính chất chiến lược, lâu dài về KH&CN; Xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu về các vấn đề quan trọng, cấp thiết, các nhiệm vụ phục vụ các chương trình quốc gia và trọng điểm quốc gia về KH&CN; Tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu quốc tế, các dự án đầu tư KH&CN trên thế giới và trong khu vực, tập trung vào các nội dung KH&CN Việt Nam quan tâm, có nhu cầu cấp thiết; Phát triển các tổ chức, tập thể nghiên cứu mạnh, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, gắn với hợp tác nghiên cứu quốc tế, định hướng giải quyết các vấn đề KH&CN, kinh tế - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc của quốc tế gắn với Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu này, Chương trình đặt ra các giải pháp gồm đẩy mạnh việc thực hiện thỏa thuận quốc tế về hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, cụ thể là tập trung rà soát hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế làm cơ sở đổi mới và hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết để hỗ trợ cho các hoạt động của Chương trình; tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ các hoạt động hợp tác nghiên cứu; Tìm kiếm, khai thác các nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ, hợp tác quốc tế của các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tập đoàn đa quốc gia phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực KH&CN.
Nguồn: Truyền thông KH&CN