Tham gia hội thảo có đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ GD-ĐT cùng 50 Sở KH-CN các tỉnh, thành phố, các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức trung gian của thị trường KH-CN, doanh nghiệp…
Các đại biểu tham gia tọa đàm nhận diện những rào cản trong phát triển thị trường KH-CN. Ảnh: THANH HÙNG
Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá lại những thành tựu đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, cũng như nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong phát triển thị trường KH-CN giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở đó đưa ra những định hướng lớn trong phát triển thị trường KH-CN giai đoạn 2021-2030.
Theo Bộ KH-CN, trong giai đoạn 2011-2020, hệ thống cơ chế, chính sách về thị trường KH-CN cơ bản được hoàn thiện. Nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN được ban hành với 14 văn kiện (Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Chính phủ), 4 Luật, 6 Nghị định và 12 thông tư được ban hành quy định về: đánh giá, thẩm định kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước; phân chia lợi ích sau thương mại hóa, cơ chế hỗ trợ phát triển nguồn cung, nguồn cầu công nghệ và tổ chức trung gian.
Những quy định về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH-CN cũng được ban hành với các quy định cho phép sử dụng quỹ phát KH-CN tại doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ quốc gia…
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH-CN phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THANH HÙNG
Cùng với Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) năm 2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 được Quốc hội thông qua đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về phát triển thị trường KH-CN, đặc biệt các cơ chế, biện pháp về ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn cung - nguồn cầu công nghệ, giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ và phát triển tổ chức trung gian; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo... Các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách là công cụ quan trọng để thiết kế, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho các bên tham gia vào các hoạt động giao dịch của thị trường trong nước cũng như hội nhập với quốc tế.
Hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH-CN. Trong đó, số lượng các sàn giao dịch công nghệ cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ, nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.
Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu.
Về nhân lực thực hiện quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH-CN tại các địa phương: Năm 2020, số người thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH-CN tại các sở là 5,21 người với độ tuổi trung bình là 41 tuổi (bao gồm cả lãnh đạo cấp sở, cấp phòng). Trong đó, nhân lực có trình độ thạc sĩ chiếm 52,52%; tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học, tiến sĩ lần lượt là 39,39% và 8,09%.
GS-TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THANH HÙNG
Các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Một số kết quả tiêu biểu trong giai đoạn 2011-2020 có thể được kể đến như: Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ giai đoạn 2009-2019 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó đạt cao nhất trong năm 2017, 2018 lần lượt là 182,6 tỷ đồng và 197,7 tỷ đồng.
Sau 5 năm (2016-2020) thực hiện chương trình phát triển thị trường KH-CN đã có 63 nhiệm vụ/500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí là 340 tỷ đồng, trong đó có 194 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 55%), khoảng 45% nguồn kinh phí được đối ứng từ phía các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng đã trực tiếp trao đổi và ghi nhận những kiến nghị của các đại biểu xung quanh những rào cản, vướng mắc từ cơ chế chính sách để phát triển thị trường KH-CN.
Các đại biểu trao đổi và kiến nghị tại hội thảo. Ảnh: THANH HÙNG
Theo Bộ KH-CN, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường KH-CN giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung những nhiệm vụ như: hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH-CN; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH-CN; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH-CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ KH-CN sẽ thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH-CN, tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH-CN và liên thông, tiến tới đồng bộ hóa với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính. Song song đó, Bộ KH-CN sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH-CN.
Nguồn: Thanh Hùng - sggp.org.vn