Ngay sau lễ phát động chiến dịch Giờ trái đất xanh 2014 vào ngày 15/3, hàng loạt các dự án – hoạt động đã đồng loạt ra quân trên địa bàn TP. HCM như khu phố xanh, cộng đồng xanh, 20s cho giờ trái đất xanh, đạp xe tuyên truyền, đôi bàn tay xanh, sản phẩm xanh – xây trường học sinh thái, doanh nghiệp xanh đồng hành cùng giờ trái đất xanh.
Ngày sự kiện chính 29/3 có các hoạt động hưởng ứng được tổ chức tại Nhà Văn hoá Thanh Niên TP. HCM gồm: “Bước nhảy xanh” (buổi sáng) với gần 1000 tình nguyện viên tham gia nhảy "flashmob" bài “Everybody has a choice” của ca sĩ Hà Okio; buổi chiều tối diễn ra triển lãm hai mô hình của dự án “Đôi bàn tay Xanh” và kết quả vận động 1000 quán cafe ký tên cam kết từ dự án “Cộng đồng Xanh”, tổ chức gian hàng thu đổi vỏ chai nhựa vỏ hộp sữa lấy bóng đèn compact tiết kiệm điện, gian hàng hướng dẫn làm đồ tái chế và trưng bày các sản phẩm "handmade" để lưu niệm hay trang trí... Sự kiện chính tắt đèn trên sân khấu sẽ diễn ra từ 20h00 với các nghi thức truyền thống (được truyền hình trực tiếp), nhảy flashmob và bắt đầu đêm nhạc rock sau khi chính thức tắt điện từ 20h30.
Thực hiện lắp đặt tấm lợp sinh thái tại trường học sinh thái. Một số hoạt động quen thuộc trong khuôn khổ chiến dịch đã triển khai từ ngay sau lễ phát động chiến dịch gồm “Đạp xe tuyên truyền” (cổ động thực hiện Giờ Trái đất Xanh bằng phương tiện xanh); “20s cho Giờ Trái đất Xanh” (kêu gọi tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 20s tại các ngã 4, vừa giảm lượng xăng tiêu thụ, vừa giảm phát thải ra môi trường); “Đôi bàn tay xanh” (tạo mô hình bản đồ Việt Nam và mô hình thu nhỏ của trường học sinh thái là trường tiểu học Mỹ Huề 1, huyện Hóc Môn từ vỏ hộp sữa và vỏ chai nhựa)…
Bên cạnh đó là các dự án xanh mang lại hiệu quả thực tiễn, sẽ được duy trì và nhân rộng, tích cực góp phần bảo vệ môi trường. Dự án Cộng đồng Xanh thực hiện tại hệ thống siêu thị Co.opMart (gồm 6 siêu thị Co.op Xtra, Lý Thường Kiệt, Hòa Bình, Thắng Lợi, Xa lộ Hà Nội và Bình Triệu), đã đồng loạt thực hiện thu đổi rác vô cơ vào ngày 16/03. Đợt thu đổi này đã có hơn 1.000 người dân tham gia thu đổi rác - nhận quà khuyến mãi, kết quả thu về hơn 500kg nhựa và hơn 43.000 vỏ hộp sữa. Đây là một phần không thể thiếu cho đầu vào của nguyên liệu sản xuất tấm lợp sinh thái ở dự án về trường học sinh thái. Công trình trường học sinh thái (thuộc dự án sản phẩm xanh – xây trường học sinh thái) tiếp tục là hoạt động trọng tâm của chiến dịch với thông điệp “Mua sắm sản phẩm xanh, xây trường học sinh thái”. Điểm nhấn của dự án nằm ở việc thay mái tôn thông thường bằng một loại vật liệu mới - “tấm lợp sinh thái”. Tấm lợp sinh thái có thành phần từ 100% nhôm và nhựa, tái chế từ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng, có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt, không gỉ sét, đốt không cháy, xe chạy qua không bể vỡ, bảo hành 10 năm không thấm nước. Mỗi tấm lợp sinh thái được làm từ hơn 8.100 vỏ hộp sữa đã qua sử dụng. Với công trình trường học sinh thái được khánh thành ngày 20/3 tại Trường Tiểu học Mỹ Huề 1 (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn), dự án đã dùng 187 tấm lợp sinh thái – tương đương hơn 1,5 triệu vỏ hộp sữa đã được tái chế, góp phần tích cực giảm rác thải và bảo vệ môi trường.
Dự án Cộng đồng xanh với hoạt động thu gom vỏ hộp nhựa, chai nhựa, vỏ hộp sữa.
Điểm khác biệt của dự án “Khu phố Xanh” năm nay hướng đến tuyên truyền việc phân loại rác tại hộ gia đình, thí điểm 4 tuyến đường ở quận Tân Phú. Lượng rác vô cơ của người dân sau khi phân loại sẽ được định giá theo thị trường, kế đến, tổng số chi phí mà người dân tích lũy được sau một tháng chuyển giao rác thải vô cơ cho nhân viên vệ sinh, sẽ được đổi lại là sản phẩm tiêu dùng với giá tiền tương ứng (là những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày như dầu ăn, bột nêm, nước mắm, bột giặt, nước rửa chén…). Dự án này sẽ được duy trì xuyên suốt qua các năm tiếp theo.
Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) khuyến khích các hộ gia đình cùng các cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 20h30 đến 21h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hàng năm, nhằm làm gia tăng nhận thức về sự cần thiết phải hành động trước biến đổi khí hậu.
Các bạn trẻ tình nguyện và hai đại sứ chính của chiến dịch là Hoa hậu Trương Thị May và Ca sĩ Hà Okio.
Tại Việt Nam, Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 tại sáu tỉnh thành (Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Hội An, Huế và Khánh Hòa). Đến năm 2013 đã có 32 tỉnh thành tham gia. Riêng tại TP. HCM, từ năm 2011, UBND TP. HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan chức năng khác tổ chức chương trình Giờ Trái đất. Năm 2014, bên cạnh mục tiêu chung là tiết kiệm năng lượng, chiến dịch Giờ Trái đất Xanh với thông điệp “Trái đất đang tắt điện một giờ” được trông đợi sẽ có sự thay đổi lớn về quy mô lẫn chiều sâu nhận thức cho người dân, thúc đẩy việc tận dụng nguồn năng lượng xanh nhằm giảm phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, tái chế những nguồn nguyên liệu làm từ rác thải,...
Lam Vân