Cơ hội nâng cao năng lực và bổ sung nguồn nhân lực y học hạt nhân
05/06/2019
Hoạt động KH&CN
Thỏa thuận hợp tác về giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện KH&CN hạt nhân quốc gia Pháp ký kết ngày 29/5/2019 không chỉ mở ra những mối quan hệ hợp tác quốc tế về năng lượng hạt nhân, mà còn đem lại cơ hội nâng cao năng lực và bổ sung nguồn nhân lực y học hạt nhân.
Lễ ký kết hỏa thuận giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
và Viện KH&CN hạt nhân quốc gia Pháp. Nguồn: VINATOM
Theo bản Thỏa thuận, các nội dung chính được hai Viện thống nhất triển khai trong thời gian tới là: tăng cường các hoạt động chuyên môn thông qua trao đổi chuyên gia trong nhiều lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung vào khoa học và kỹ thuật hạt nhân; tổ chức các buổi hội thảo, seminar với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và những lĩnh vực liên quan; trao đổi các nghiên cứu sinh; tổ chức các khóa đào tạo về kỹ thuật hạt nhân, KH&CN hạt nhân và các hoạt động liên quan khác.
Theo đánh giá của TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), việc ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với Viện KH&CN hạt nhân quốc gia Pháp (INSTN) sẽ tạo ra nhiều cơ hội nâng cao năng lực cho các nhà nghiên cứu Việt Nam về khoa học và kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt là y học hạt nhân. Dù đây là một trong những phương pháp điều trị ung thư hiệu quả trên thế giới nhưng việc ứng dụng nó ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, một phần do sự thiếu hụt nguồn nhân lực y học hạt nhân. Hiện tại, ở Việt Nam mới có duy nhất trường Đại học Nguyễn Tất Thành có tuyển sinh đào tạo y học hạt nhân, vì vậy, thông qua hợp tác với Pháp, rất có thể việc đào tạo và nâng cao năng lực của các cán bộ y học hạt nhân Việt Nam sẽ được nâng cao.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào đầu tháng 4/2019, bà Najat Mokhtar Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã nhấn mạnh đến việc cần đẩy mạnh các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế, nông nghiệp… tại Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu và sản xuất một số loại đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ đã được áp dụng hiệu quả trên thế giới nhưng chưa có ở Việt Nam để có thể sớm đưa vào điều trị.