Bước đột phá trong nuôi cấy tế bào san hô và hải quỳ
Anh Phương (CESTI)
22/03/2021
KH&CN nước ngoài
Các nhà nghiên cứu đã hoàn thiện công thức để giữ các tế bào hải quỳ và san hô sống được trên đĩa petri lên đến 12 ngày. Nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Trường Khoa học Hàng hải và Khí quyển thuộc Đại học Miami (UM) dẫn đầu. Nghiên cứu có những ứng dụng quan trọng để có thể nghiên cứu từ sinh học tiến hóa đến sức khỏe con người.
Cnidarians (một loại phylum, chứa động vật không xương sống có cấu trúc chích đặc biệt trong các xúc tu bao quanh miệng như sứa, san hô, Hydra, hải quỳ và bút biển) là loài được dùng để nghiên cứu tế bào và sinh học phân tử. Tuy nhiên, việc bảo vệ thành công các tế bào của chúng trong môi trường phòng thí nghiệm là một thách thức, do sự ô nhiễm từ nhiều vi sinh vật sống cùng với các sinh vật biển này, hoặc do toàn bộ mô tồn tại trong môi trường nuôi cấy.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai sinh vật là hải quỳ hình sao (Nematostella vectensis) và san hô súp lơ (Pocillopora damicornis), để tìm ra phương pháp nuôi cấy các tế bào này thành công hơn trong môi trường phòng thí nghiệm.
Traylor Knowles, phó giáo sư sinh học và sinh thái biển tại Trường UM Rosenstiel, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Đây là một bước đột phá lớn trong việc nuôi cấy tế bào. Nếu xử lý tốt và có thể giữ nguyên mẫu các mô của hải quỳ và san hô, sẽ có được quá trình nuôi cấy lâu hơn, mạnh mẽ hơn để nghiên cứu sinh học tế bào của những sinh vật này".
Nowotny, người hiện đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Maryland, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã thử nghiệm 175 tế bào nuôi cấy từ san hô và hải quỳ. Kết quả, lần đầu tiên các tế bào riêng lẻ được tách ra từ tất cả các mô của san hô hoặc hải quỳ. Chúng có thể sống sót trong quá trình nuôi cấy tế bào hơn 12 ngày”.
Thực tế, có khoảng hơn 9.000 loài trong chi Cnidaria. Do một số thuộc tính đặc biệt như có tính đối xứng xuyên tâm, có hai lớp tế bào biểu bì và có một tế bào châm chích còn được biết đến là các nematocysts (một sợi lông dạng xoắn giống như một chiếc kim có chứa nọc độc giúp tự vệ trước kẻ thù và ẩn nấp dưới đại dương), các nhà khoa học ngày càng quan tâm đến việc sử dụng những sinh vật này để nghiên cứu các khía cạnh chính của sự phát triển. Các nhà nghiên cứu cũng có thể nuôi cấy tế bào san hô và sử dụng chúng trong các thí nghiệm để khám phá sức khỏe của chúng theo những mục tiêu nghiên cứu.
Anh Phương (CESTI) – Theo phys.org