SpStinet - vwpChiTiet

 

Năng lượng tái tạo khu vực Đông nam Á

Khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo. Tùy theo ưu thế riêng, nhiều quốc gia đã quan tâm đầu tư khai thác năng lượng tái tạo để phục vụ nhu cầu xã hội, đảm bảo các mục tiêu an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm không khíbiến đổi khí hậu.

Có nhiều yếu tố để các quốc gia đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT) như vì an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm không khí hay do chi phí đầu tư cho một số công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm nhanh trong những năm vừa qua. Từ năm 2000 đến nay, các nước khu vực ASEAN triển khai nhiều dự án khai thác nguồn NLTT, đáng kể nhất là thủy điện và năng lượng sinh học (BĐ1).

BĐ1: Phát triển NLTT khu vực ASEAN

Giai đoạn 2006-2016, khu vực ASEAN đầu tư vào lĩnh vực NLTT 27 tỉ USD; những năm có mức đầu tư tăng mạnh là: năm 2007 tăng 63% so với năm 2006 do phát triển các dự án năng lượng sinh học ở Thái Lan, năm 2011 tăng 83% so với năm 2010 với dự án địa nhiệt lớn ở Indonesia và các dự án năng lượng sinh học tiếp tục phát triển ở Thái Lan, năm 2013 tăng 43% so với năm 2012 do các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió được triển khai ở Thái Lan và Philippines (BĐ2).

BĐ2: Diễn biến đầu tư vào NLTT của khu vực ASEAN

Nước đầu tư mạnh vào NLTT giai đoạn 2006-2016 là Thái Lan với hơn 10 tỉ USD,  chiếm gần 40% tổng mức đầu tư của khu vực,  kế đến là Indonesia và Philippines,  mỗi nước chiếm khoảng  20%.  Philippines gia tăng đầu tư vào các dự án điện mặt trời và điện gió. Malaysia và Việt Nam sụt giảm đầu tư vào NLTT trong thập kỷ qua. Malaysia dù có gia tăng đầu tư vào điện mặt trời nhưng giảm đầu tư vào năng lượng sinh khối, Việt Nam giảm đầu tư vào thủy điện nhỏ và năng lượng sinh khối.

Riêng năm 2016,  đầu tư vào NLTT ở các nước ASEAN là 2,6 tỉ USD (không tính các nhà máy thủy điện lớn), chiếm 1% đầu tư vào NLTT trên toàn cầu. Nước đầu tư vào mạnh vào khai thác NLTT là Thái Lan (đạt 1,3 tỉ USD, chiếm 50%); kế đến là Indonesia và Singapore, hai nước này  đầu tư  chủ yếu vào năng lượng mặt trời, mức đầu tư lần lượt là 577 triệu USD và 575 triệu USD (BĐ3). 

BĐ3: Đầu tư vào NLTT của các nước khu vực ASEAN

Trước năm 2008, khu vực ASEAN đầu tư vào NLTT chủ yếu là năng lượng sinh học và các công trình thủy điện nhỏ, sau đó mới có các dự án đầu tư khai thác địa nhiệt, điện mặt trời và điện gió. Giai đoạn 2006-2016,  năng lượng sinh học thu hút 8,6 tỉ USD (32%), kế đến là điện mặt trời: 7,4 tỉ USD, địa nhiệt và thủy điện quy mô nhỏ có mức đầu tư lần lượt là 4,4 tỉ USD và 3,8 tỉ USD. Đầu tư khai thác năng lượng địa nhiệt trong khu vực thời gian qua thay đổi thất thường, năm 2014, đầu tư vào địa nhiệt chiếm tỉ trọng cao trong tổng đầu tư vào NLTT của khu vực do dự án khai thác địa nhiệt ở phía Bắc Sumatra của Indonesia, đây là dự án lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này hiện nay. Riêng  năm 2016,  khu vực ASEAN đầu tư 920 triệu USD vào năng lượng sinh học, kế đến là năng lượng mặt trời: 662 triệu USD, năng lượng gió: 589 triệu USD (BĐ4).

BĐ4: Đầu tư vào các dạng NLTT ở ASEAN

Năm 2015,  nguồn NLTT chiếm 17%  năng lượng dùng sản xuất điện trong khu vực ASEAN, trong đó thủy điện chiếm hơn 3/4, kế đến là năng lượng sinh khối và năng lượng địa nhiệt (BĐ5). Giai đoạn 2000 -2016, công suất thủy điện trong khu vực tăng từ 16 GW lên 44 GW, tập trung  ở các nước Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar; địa nhiệt tập trung ở Indonesia và Philippines.

BĐ5: Sản xuất điện từ các nguồn NLTT khu vực ASEAN

Ghi chú: Dữ liệu không bao gồm Lào.

Chi phí đầu tư là yếu tố quyết định trong việc chọn lựa công nghệ NLTT ở khu vực ASEAN, nhiều quốc gia chọn thủy điện và địa nhiệt ngoài yếu tố lợi thế tự nhiên còn do tính cạnh tranh trong chi phí đầu tư của hai công nghệ này. Gần đây năng lượng mặt trời và năng lượng gió được quan tâm hơn nhờ  chi phí đầu tư có xu hướng giảm.

Chi phí lắp đặt điện mặt trời giảm 45 % trong giai đoạn 2012-2016, từ 3.915 USD/ kW xuống còn 2.134/kW; điện gió giảm từ 2. 627 USD/kW năm 2013 còn 2.342 USD/kW năm 2016; chi phí lắp đặt cho thủy điện không thay đổi từ 2011 đến 2016, ở mức  1.500 USD/kW, trong khi đó chi phí lắp đặt cho điện địa nhiệt tăng nhẹ, từ  2.937 USD/kW in 2014 lên 3.185 USD/kW năm 2016 (BĐ6). Với các dự án năng lượng sinh khối, chi phí lắp đặt dao động từ 900 USD/kW đến USD 2.433 USD/kW tùy thuộc vào quy mô và nơi lắp đặt.

BĐ6: Chi phí đầu tư phát điện từ các nguồn NLTT khu vực ASEAN

Chi phí sản xuất điện quy dẫn LCOE (levelised cost of electricity) là tổng số chi phí cho mỗi KWh, bao gồm vốn đầu tư xây dựng, chi phí hoạt động và bảo trì dựa theo công suất và vòng đời dự án điện năng.  LCOE của mỗi công nghệ và ở mỗi quốc gia rất khác nhau. Khu vực ASEAN,  LCOE từ các nguồn NLTT có xu  hướng phụ thuộc vào chi phí đầu tư. LCOE từ sinh khối giai đoạn 2010-1016 dao động trong khoảng 0,045 USD/kWh - 0,095 USD/kWh; thủy điện giảm từ 0,048 USD/kWh (năm 2011) xuống còn 0,046 USD/kWh (năm 2016); điện gió giảm 14% giai đoạn 2013-2016, từ 0,14 USD /kWh xuống còn 0,12/ USD kWh; điện mặt trời giảm có mức giảm đến 39% trong giai đoạn 2012-2016,  từ 0,31 USD /kWh xuống còn 0,19/ USD kWh; chỉ riêng điện sản xuất từ địa nhiệt giai đoạn 2014-2016 có LCOE  tăng 7%, từ 0,06 USD/kWh  lên 0,064 USD/kWh (BĐ7).

BĐ7: Chi phí LCOE theo các nguồn NLTT khu vực ASEAN

Thủy điện có giá thành thấp nhất trong các dạng NLTT, các thủy điện nhỏ đáp ứng nhu cầu năng lượng và đóng góp vào phát triển công nghiệp địa phương nên đã phát triển nhanh chóng  ở một số quốc gia như Việt Nam, Lào, Malaysia, và Indonesia (BĐ8 ).

BĐ8: Phát triển Thủy điện ở các nước khu vực ASEAN

Ngoài bổ sung nguồn năng lượng, phát triển NLTT còn tạo ra nhiều việc làm.  IRENA ước đoán lĩnh vực này đã tạo ra 611 ngàn việc làm cho khu vực ASEAN trong năm 2016,  đa phần xuất phát từ ngành sản xuất nhiên liệu sinh học lỏng, tập trung ở các nước Indonesia (154. 300), Thái Lan (97.400),  Malaysia (52.500), Philippines (42.400);  kế đến là thủy điện và điện mặt trời (BĐ9).

BĐ9: Công việc tạo ra từ các nguồn NLTT ở khu vực ASEAN, 2016

Nguồn các biểu đồ từ tài liệu: International Renewable Energy Agency (IRENA),  Renewable Energy Market Analysis Southeast Asia, 2018.

IRENA là tổ chức liên chính phủ hỗ trợ các quốc gia chuyển đổi hướng tới nguồn năng lượng bền vững và tạo nền tảng hợp tác quốc tế; thúc đẩy việc sử dụng các dạng năng lượng tái tạo khác nhau và  khuyến khích phát triển kinh tế phát thải khí carbon thấp. 

Anh Tùng (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả