Đột phá y học: Viên thuốc quên quá khứ đau buồn
25/11/2010
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Các nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã dùng chuột để tập trung nghiên cứu phần não bộ đối phó với nỗi sợ hãi. Họ đã khám phá một "cửa sổ thương tổn" khi các protein của cơ quan cảm thụ riêng biệt được tạo ra trong não bộ dưới dạng những ký ức đau khổ được xác lập.
Họ đã cho những con chuột khỏe mạnh bị điện giật và vì thế chúng trở nên sợ hãi một âm thanh. Âm thanh này sau đó kích thích sản sinh ra các protein được hình thành trong 1 hoặc 2 ngày ở trung khu sợ hãi (amygdala) trong não bộ của chuột. Do các proteins vốn không ổn định, nên chúng có thể bị loại bỏ bằng những viên thuốc và nhờ thế sẽ xóa được ký ức đau khổ này mãi mãi.
"Khi một sự kiện gây đau khổ xảy ra, nó tạo ra một ký ức đáng sợ có thể tồn tại suốt đời và có tác dụng làm suy giảm đời sống của một người", giáo sư Richard Huganir thuộc nhóm nghiên cứu nói. Ông cũng cho rằng các khám phá của mình "đưa ra khả năng cho phép điều khiển các cơ chế đó bằng thuốc để nâng cao liệu pháp điều trị hành vi đối với các căn bệnh như rối loạn căng thẳng do đau khổ."
Mặc dù nhóm nghiên cứu mới thành công với thí nghiệm trên chuột, nhưng họ tin rằng những kết quả này cũng sẽ giống như thế đối với người. Các nhà khoa học đang tin rằng họ có thể giúp con người quên đi những sự kiện đau buồn trong quá khứ bằng một viên thuốc có khả năng xóa bỏ phần ký ức gây đau khổ trong não bộ, giúp ích cho những người lính vốn phải trải qua nhiều sự kiện gây đau đớn hay các nạn nhân của những vụ bạo lực kinh hoàng, thậm chí còn có thể giúp chúng ta vượt qua được nỗi đau từ một cuộc tan vỡ xé lòng.
Tuy nhiên, Kate Farinholt, thuộc nhóm ủng hộ sức khỏe tâm thần ở Maryland, đã cảnh báo rằng vẫn còn đó nhiều câu hỏi chưa được trả lời. "Xóa một ký ức và mọi điều tồi tệ tạo ra từ đó là một ý tưởng đáng kinh ngạc", bà nói.
"Nhưng xóa hoàn toàn một ký ức là hơi đáng sợ. Làm sao bạn có thể loại bỏ một ký ức mà không loại bỏ toàn bộ một phần đời của một người, và liệu có phải đó là điều tốt nhất để làm không, khi xét đến việc con người trưởng thành và học hỏi từ chính kinh nghiệm của mình ?"
Paul Root Wolpe, thuộc Trung tâm Đạo đức tại Đại học Emory ở Atlanta, phát biểu: "Danh tính con người gắn liền với ký ức. Nó tạo ra tính cách riêng biệt của chúng ta. Đó là một ý tưởng gây rắc rối để bắt đầu có thể điều khiển vấn đề đó, ngay cả nếu vì những động cơ tốt đẹp nhất."