Virus SARS-CoV-2 lây nhiễm qua đường hô hấp, trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, có thể gây suy phổi, cần phải hỗ trợ bằng máy thở. Bên cạnh đó, những bệnh nhân này còn có thể có các biến chứng như thuyên tắc phổi hoặc huyết khối (cục máu đông) trong tĩnh mạch. Việc suy hô hấp do virus có liên quan như thế nào đến sự gia tăng tỷ lệ hình thành huyết khối trong lòng mạch vẫn chưa được biết rõ. Một nghiên cứu do các bác sĩ lâm sàng Leo Nicolai và Konstantin Stark của LMU dẫn đầu đã xác định được mối liên quan giữa những thay đổi do virus gây ra trong mạch máu phổi và nguy cơ gia tăng huyết khối. Khi khám nghiệm phổi các tử thi do bệnh COVID-19, Nicolai và các đồng nghiệp đã tìm thấy nhiều huyết khối siêu nhỏ trong các mạch máu phổi tốt nhất. Kết quả quan sát tương tự cũng thấy được ở tim và thận.
Những cục máu đông này chủ yếu được tạo thành từ các tiểu cầu và các tế bào miễn dịch đã hoạt hóa, đặc biệt là bạch cầu trung tính. Phân tích chi tiết huyết khối cho thấy có sự tương tác qua lại giữa tiểu cầu và các bạch cầu trung tính tạo ra cơ chế đông máu nội mạch. Bạch cầu trung tính có nhiệm vụ chống lại các mầm bệnh xâm nhập. Sự tác động của chúng vào quá trình đông máu bất thường đã gây nên chứng huyết khối miễn dịch. Ở bệnh nhân COVID-19, sự hình thành cục máu đông làm ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho các mô, dẫn đến suy hô hấp, trong bối cảnh cơ chế đông máu đang được kích hoạt mạnh trong cơ thể.
Sử dụng các xét nghiệm đếm tế bào dòng chảy đa chiều (multidimensional flow cytometry assays), các nhà nghiên cứu của LMU đã cho thấy, ở những bệnh nhân COVID-19 bị suy phổi và phải thở máy, số lượng bạch cầu trung tính hoạt hóa và tiểu cầu trong hệ tuần hoàn gia tăng đáng kể. Vì hai loại tế bào này tác động lẫn nhau, nên những tương tác này hình thành nên các cục máu đông, gây tắc nghẽn trong phổi. Ngoài ra, bạch cầu trung tính được hoạt hóa tạo ra các cấu trúc phức tạp giống như lưới, hình thành từ DNA và các protein tế bào chất (cytoplasmic proteins), gọi là bẫy ngoại bào của bạch cầu trung tính (NET). Các cấu trúc này thường dùng để bẫy và tiêu diệt các mầm bệnh do vi khuẩn và virus mang đến, nhưng chúng cũng góp phần quan trọng trong việc tạo ra các huyết khối miễn dịch, bằng cách ổn định huyết khối. Trong khi đó, quá trình này thường ban đầu khu trú ở phổi, nên làm trầm trọng thêm tình trạng suy hô hấp và gây ra tình trạng huyết khối toàn thân.
Konstantin Stark cho biết: “Phát hiện này giúp hiểu rõ hơn về sinh lý bệnh, cơ sở phát triển của bệnh COVID-19. Nghiên cứu cũng cho thấy, huyết khối miễn dịch là một mục tiêu đầy tiềm năng, giúp phòng ngừa và điều trị suy phổi và các biến chứng huyết khối phát sinh trong các bệnh nhân COVID-19."
Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Circulation.
Tuấn Kiệt (CESTI) - Theo sciencedaily.com