Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science ngày 14/11, một nhóm các chuyên gia đến từ Đại học Maryland, tập đoàn công nghệ Google và Chính phủ Mỹ đã hợp tác xây dựng bản đồ dựa trên hình ảnh vệ tinh chụp bề mặt Trái Đất ở độ phân giải 30m.
Nghiên cứu cho thấy trong khoảng thời gian từ 2000-2012, có khoảng 2,3 triệu km
2 rừng trên Trái Đất đã biến mất, gần bằng diện tích của Argentina, trong khi chỉ có khoảng 0,8 triệu km
2 được phủ xanh trở lại.
Indonesia là nước có tốc độ mất rừng tăng nhanh nhất, tăng hơn 50% lên tới 20.000 km
2/năm vào năm 2011.
Tuy nhiên, Brazil lại là quốc gia có diện tích rừng
mất đi hàng năm lớn nhất, giảm tới 50% từ mức 40.000km
2 của năm 2002 xuống còn 20.000km
2 vào năm 2010.
Chủ nhiệm công trình, Giáo sư chuyên ngành địa lý Matthew Hansen của Đại học Maryland cho biết đây là tấm bản đồ về thay đổi mật độ rừng đầu tiên nhất quán trên toàn cầu và chi tiết từng khu vực.
Nhóm nghiên cứu cho biết thông qua tấm bản đồ mới, mọi quốc gia sẽ có thể tiếp cận một bộ dữ liệu đồ sộ bao gồm những thông tin nền tảng, thống nhất và rõ ràng liên quan tới những vấn đề nghiêm trọng về môi trường.
Những vấn đề đó bao gồm: nguyên nhân gây ra thay đổi trong mật độ rừng, tình trạng của các khu rừng tự nhiên trên thế giới, những mối đe dọa đến từ việc thay đổi diện tích rừng, ảnh hưởng từ những nỗ lực ngăn chặn mất rừng...
Theo giáo sư Hansen, việc xây dựng bản đồ rừng xuất phát từ nhận thức rằng sự biến mất hoặc tái sinh của các khu rừng có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều khía cạnh trong hệ sinh thái bao gồm khí hậu, lượng carbon trong khí quyển, đa dạng sinh học và nguồn nước.
Bên cạnh đó, giới khoa học cho đến nay vẫn chưa đưa ra được một hệ thống dữ liệu chi tiết, chính xác và sẵn sàng về những thay đổi của hệ thống rừng từ cấp địa phương tới toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, chính quyền Brazil cùng ngày dẫn dữ liệu vệ tinh trong 12 tháng tính đến tháng 7/2013 cho biết nạn phá rừng tại khu vực rừng nhiệt đới Amazon đã tăng 28% so với năm 2012.
Tổng số đất rừng bị xâm lấn tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới là 5.843km
2, gần tương đương diện tích bang Delaware của nước Mỹ. Đây là con số thấp thứ hai kể từ khi Brazil triển khai chiến dịch theo dõi hoạt động phá rừng qua vệ tinh.
Theo chính phủ nước này, hoạt động phá rừng chủ yếu xuất phát từ việc mở rộng canh tác của nông dân và các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng lớn.