Hút thuốc lá điện tử có thể gây ung thư vòm họng
Kim Tiến
22/08/2018
KH&CN nước ngoài
Thuốc lá điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu khi nhiều người xem nó như là một sự thay thế an toàn hơn cho việc hút thuốc lá trực tiếp. Tuy nhiên, những tác động lâu dài của việc sử dụng thuốc lá điện tử đến sức khỏe thường không được nhều người biết đến.
Một nhóm nghiên cứu đã cho biết, việc sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng làm biến đổi DNA và làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng. Nghiên cứu này sẽ được giới thiệu tại Hội nghị Quốc gia lần thứ 256 & Triển lãm của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) diễn ra vào 20/8.
TS. Romel Dator, người sẽ giới thiệu nghiên cứu tại Hội nghị cho biết: "Hút thuốc lá điện tử đang là xu hướng khá phổ biến, nhưng những ảnh hưởng lâu dài của nó đến sức khỏe vẫn chưa được nhiều người biết đến. Chúng tôi sẽ trình bày các đặc tính hóa học và tổn thương mà thuốc lá điện tử gây ra cho DNA".
"
Lần đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2004, thuốc lá điện tử là một thiết bị cầm tay, tạo ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật cho người dùng, nhờ làm sôi chất lỏng chứa bên trong nó. Chất lỏng này thường chứa nicotin và có nhiều hương vị hấp dẫn như trái cây, sô-cô-la và kẹo. Theo một báo cáo vào năm 2016 của U.S. Surgeon General, có 13,5% học sinh trung học cơ sở, 37,7% học sinh trung học phổ thông và 35,8% thanh niên độ tuổi từ 18-24 từng sử dụng thuốc lá điện tử, nhiều hơn so với 16,4% ở người lớn (tuổi từ 25 trở lên).
"Đúng là có nhiều chất gây ung thư phát sinh từ thuốc lá thông thường hơn là thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết hết về các tác động thực sự của việc hít vào các luồng khói được thiết bị này tạo ra. Nếu chỉ khác nhau ở mức độ phát sinh chất gây ung thư, không có nghĩa là thuốc lá điện tử hoàn toàn an toàn", TS. Silvia Balbo, trưởng nhóm điều tra của nghiên cứu và hiện đang làm việc tại Trung tâm Ung thư Masonic (Đại học Minnesota) cho biết.
Để mô tả sự phơi nhiễm hóa chất trong quá trình sử dụng thuốc lá điện tử, các nhà nghiên cứu đã mời 5 người thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử tham gia vào thí nghiệm đánh giá. Thí nghiệm đã sử dụng các mẫu nước bọt trước và sau khi hút thuốc lá điện tử của 5 người tham để phân tích và tìm ra các hóa chất được cho là gây tổn thương tới DNA. Đồng thời dựa vào mức độ tổn thương tế bào vòm họng của họ để đánh giá ảnh hưởng lâu dài của việc hút thuốc lá điện tử.
Dator và Balbo đã xác định hàm lượng 3 hợp chất gây tổn thương cho DNA là formaldehyde, acrolein và methylglyoxal trong mẫu nước bọt đều tăng sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Khi so sánh với người không dùng, thì 4/5 người tham gia có sử dụng thuốc lá điện tử đã cho thấy những tổn thương DNA liên quan đến phơi nhiễm acrolein. Khi acrolein tiếp xúc với DNA, nó sẽ làm tổn thương cấu trúc của phân tử DNA và gây nên những đột biến sinh học ảnh hưởng đến quá trình tự sửa chữa của DNA . Vì vậy, nếu một tế bào chứa lượng lớn DNA bị tổn thương, hoặc không còn có khả năng sửa chữa những tổn hại đối với DNA của nó thì sự phân bào không bình thường sẽ diễn ra và dẫn tới hình thành khối u.