Nghiên cứu (được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc Đại học Toronto, đăng trên tạp chí PLOS ONE) đã sử dụng dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) để xem loại cây trồng nào đang được trồng ở các trang trại nông nghiệp quy mô lớn từ năm 1961-2014. Các nhà khoa học đã thấy rằng, sự đa dạng cây trồng đã thực sự tăng lên tại các trang trại. Ví dụ, ở Bắc Mỹ, hiện có 93 loại cây khác nhau đang được trồng, so với 80 loại vào những năm 1960. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, trên quy mô toàn cầu, một số ít loại cây trồng đang được trồng với số lượng lớn hơn nhiều loại khác. Nói cách khác, các trang trại nông nghiệp quy mô lớn ở Châu Á, Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ đang bắt đầu trồng loại cây giống nhau.
"Những cây trồng độc canh lớn và có giá trị thương mại cao đang được trồng với số lượng lớn trên khắp thế giới. Các trang trại thường chỉ trồng một loài cây trồng với một kiểu gen duy nhất, trên hàng ngàn hecta đất nông nghiệp", trợ lý giáo sư Adam Martin, người đứng đầu nghiên cứu và là nhà sinh thái học thuộc Trường Khoa học Vật lý và Môi trường (Đại học Toronto) nói.
Đậu nành, lúa mì, gạo và ngô là những ví dụ điển hình, do chỉ riêng bốn loại cây trồng này đã chiếm 50% tổng số đất nông nghiệp trên thế giới, phần còn lại thuộc về 152 loại cây lương thực khác.
Người ta cho rằng, sự thay đổi lớn nhất trong đa dạng nông nghiệp toàn cầu đã diễn ra từ thế kỷ 15 và 16 tại Columbia, nơi các loài cây lương thực quan trọng về mặt thương mại được vận chuyển đến các khu vực khác nhau trên thế giới. Nhưng các nhà khoa học nhận thấy rằng, trong những năm 1980, đã có sự gia tăng lớn về đa dạng cây trồng toàn cầu, khi các loại cây trồng khác nhau lần đầu tiên được trồng ở ở quy mô công nghiệp tại những vùng đất mới. Đến những năm 1990, sự đa dạng này đã bị san phẳng và bắt đầu suy giảm giữa các khu vực.
Theo Martin, sự suy giảm đa dạng cây trồng toàn cầu thực sự là một vấn đề đối với nhân loại vì một số lý do sau: thứ nhất, nó ảnh hưởng đến sản lượng của các loại cây trồng truyền thống bản địa cần được gìn giữ; thứ hai, sự thống trị ngày càng tăng của một vài giống cây lương thực sẽ khiến tình trạng dịch bệnh trong hệ thống nông nghiệp toàn cầu sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, ví dụ điển hình là loại nấm đang tàn phá các đồn điền trồng chuối trên khắp thế giới.
Martin hy vọng các nghiên cứu phân tích ở quy mô toàn cầu tương tự về những mô hình đa dạng cây trồng quốc gia sẽ được thực hiện trong tương lai. Ông cũng cho rằng, cần xem xét lại các chính sách nông nghiệp, vì các quyết định ủng hộ việc trồng một số loại cây trồng nào đó của các chính phủ cũng có thể tác động vào sự thiếu đa dạng trong hệ thống nông nghiệp.