Cơ chế gây bệnh Lyme mãn tính
19/04/2018
KH&CN nước ngoài
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cơ chế của vi khuẩn gây ra bệnh Lyme tồn tại trong cơ thể người và chống lại các phản ứng miễn dịch bẩm sinh của cơ thể. Bác sĩ Utpal Pal, giáo sư thú y tại Đại học Maryland (UMD) nghiên cứu vi khuẩn Borrelia burgdorferi trong suốt 12 năm và đã phát hiện ra các protein marker dùng để xác định nhiễm khuẩn này trong cơ thể. Giờ đây, bác sĩ Pal đã cô lập được loại protein của vi khuẩn có tác dụng vô hiệu hóa một trong những phản ứng miễn dịch đầu tiên của cơ thể, cho phép theo dõi sâu hơn các cơ chế phần lớn đến nay chưa tiếp cận được.
Pal đã quan sát được một hiện tượng kỳ lạ chưa từng thấy trước đó rằng ngay cả khi không có protein vô hiệu hóa và hệ thống miễn dịch hoàn toàn hoạt động tốt thì vi khuẩn Borrelia vẫn có thể quay trở lại cơ thể sau vài tuần. Theo những hiểu biết trước đây, loại vi khuẩn này chỉ là một trong số ít các mầm bệnh có thể tồn tại trong cơ thể trong thời gian dài, có ý nghĩa quan trọng với việc điều trị các bệnh do bọ chét gây ra như bệnh Lyme, chứng bệnh đang trở nên mãn tính và lan rộng trong cộng đồng.
"Hầu hết mọi người đều không nhận ra rằng họ đang vận động với lượng vi khuẩn trong cơ thể còn nhiều hơn là tế bào của chính họ. Mỗi chúng ta thực sự là một ổ vi khuẩn. Tuy hầu hết vi khuẩn đều tốt, nhưng khi cơ thể phát hiện ra cái gì đó có thể là một mầm bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ bắt đầu hoạt động." Pal giải thích.
Cơ thể sẽ phát động đợt tấn công đầu tiên để giết các vi khuẩn lạ mặt. Điều này xảy ra trong vòng vài giờ đến vài ngày. Nếu không hiệu quả, cơ thể sẽ phải mất thêm 7 đến 10 ngày để hiểu được kẻ thù, sau đó gửi một đợt quân tiếp viện thứ hai và tiêu diệt hết những gì còn lại. "Chính hệ thống miễn dịch của bạn đã gây ra bệnh Lyme”, Pal nói. “Khi vi khuẩn Borrelia chiến thắng cuộc chiến đầu tiên, cơ thể bạn sẽ phản ứng quá mức bằng cách gửi rất nhiều quân tiếp viện để giết nó, điều này sẽ gây ra chứng viêm nặng ở tất cả các khớp và các khu vực bị nhiễm khuẩn. Sau khi Borrelia bị tiêu diệt nhưng chứng viêm vẫn còn và gây ra nhiều biến chứng khác. Đó là lý do tại sao diệt được Borrelia trong đợt tấn công miễn dịch đầu tiên là rất quan trọng."
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch (CDC) ước tính hàng năm có khoảng 300.000 trường hợp mắc bệnh Lyme ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những trường hợp này phần lớn đều bị đánh giá thấp vì các bệnh truyền nhiễm do muỗi như sốt rét thường thu hút sự chú ý hơn. Pal cho biết: "Phần lớn các bệnh do ký sinh trùng ở Hoa Kỳ đều gây ra bởi bọ chét, và 6 trong số 15 loại bệnh truyền qua vết cắn của bọ chét Ixodes được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của chúng tôi.” Pal nói. "Các triệu chứng của bệnh này tương tự như nhiều bệnh khác và rất khó chữa. Vì vậy, chúng không được báo cáo một cách rộng rãi và thậm chí còn không được xem như một vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng tại địa phương cũng như toàn cầu mà con người từng nhận thức." Hiện nay, bệnh Lyme mãn tính là một mối lo ngại lớn. Sau 6 đến 12 tháng điều trị bằng kháng sinh truyền thống, nhiều người bắt đầu có các triệu chứng bệnh trở lại với cường độ khác nhau mà không có phác đồ điều trị tận gốc, hiện tượng này gọi là Hội chứng Bệnh Lyme sau điều trị.
Nghiên cứu của bác sĩ Pal đã làm sáng tỏ vấn đề này và mở đường cho các nghiên cứu và phương pháp điều trị trong tương lai, bằng cách phát hiện ra rằng, ngay cả khi không có loại protein dùng để đánh bại đợt miễn dịch đầu tiên, nhiễm trùng có thể tái phát vài tuần sau đó. "Nghĩa là có một lớp bảo vệ thứ hai cho Borrelia, tương tự như hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta. Điều này chưa bao giờ được phát hiện trước đây, nó cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về nguyên nhân gây ra những trường hợp mắc bệnh Lyme mãn tính", Pal giải thích.