Các nhà nghiên cứu kỹ thuật y sinh do Đại học Minnesota dẫn đầu đã tạo ra được một miếng vá 3D, có khả năng phục hồi các mô tim bị sẹo sau cơn đau tim. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc điều trị cho các bệnh nhân bị tổn thương mô sau khi bị đau tim.
Nghiên cứu được công bố trong tạp chí Circulation Research của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã đăng ký sáng chế về giải pháp này.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bệnh tim là nguyên nhân số 1 gây tử vong ở Hoa Kỳ, làm chết hơn 360.000 người/năm. Trong cơn đau tim, máu không đến được cơ tim làm chết các tế bào, tạo ra các mô sẹo làm cho bệnh nhân có nguy cơ bị tổn thương chức năng tim và suy tim trong tương lai.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Minnesota-Twin Cities, Đại học Wisconsin-Madison và Đại học Alabama-Birmingham đã sử dụng các kỹ thuật in laser sinh học 3D để kết hợp các tế bào từ tim người lớn, nuôi cấy trên đĩa trong phòng thí nghiệm.
Khi miếng vá 3D được đưa vào một con chuột sau một cơn đau tim mô phỏng, các nhà nghiên cứu đã thấy các chức năng gia tăng đáng kể chỉ sau 4 tuần. Sau khi được “vá” từ các tế bào và các cấu trúc protein có nguồn gốc từ tim, miếng vá đã trở thành một phần của tim và được hấp thụ vào cơ thể, không cần phải phẫu thuật nữa.
Brenda Ogle, giáo sư kỹ thuật y sinh học tại Đại học Minnesota, nói: "Đây là một bước tiến quan trọng trong việc điều trị nguyên nhân tử vong số 1 ở Mỹ. Chúng tôi thấy rằng có thể mở rộng nghiên cứu này để điều trị bệnh tim cho các loài động vật lớn hơn, thậm chí là cho con người, trong vài năm tới".
Khác với các nghiên cứu trước đây, miếng vá được thiết lập sau khi quét 3 chiều kỹ thuật số các cấu trúc protein của mô tim. "Chúng tôi thực sự kinh ngạc trước khả năng làm việc tốt của nó trong điều kiện rất phức tạp của trái tim", Ogle nói. "Các tế bào đã liên kết với nhau và các tín hiệu sóng điện liên tục di chuyển qua miếng vá"
Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nghiên cứu phát triển miếng vá có kích thước lớn hơn để thử nghiệm trên một trái tim lợn, có kích thước tương đương với trái tim của con người.
T.K (Theo sciencedaily.com)