Theo một nghiên cứu cho thấy sự đa dạng sinh học cao ẩn chứa nguồn gây bệnh lây từ vật sang người nhưng sự mất mát tính đa dạng sinh học đã thúc đẩy sự bùng phát của những căn bệnh này.
Sự thất thoát tính đa dạng sinh học có liên quan chặt chẽ với sự bùng phát dịch bệnh ở châu Á – Thái Bình Dương, một nghiên cứu chỉ ra rằng vai trò tiềm năng của đa dạng sinh học là bộ đệm chống bùng phát dịch bệnh.
Dù ngày càng có nhiều biện pháp chăm sóc sức khỏe nhưng những bệnh ký sinh và truyền nhiễm xuất hiện và lặp lại ở Đông Nam Á vốn được coi là điểm nóng về đa dạng sinh học và đang gánh chịu tình trạng xói mòn đa dạng sinh học nặng nề và cấp bách.
Những phát hiện trong một nghiên cứu được đăng trên PLOS One, cho rằng dù đa dạng sinh học là nguồn của các tác nhân gây bệnh nhưng nếu bảo tồn tốt sự đa dạng sinh học thì cũng có ý nghĩa ngăn chặn sự bùng phát.
Nghiên cứu này đã khảo sát tác động của những dịch bệnh bùng phát từ 1950 đến 2010 và mối quan hệ với những nhân tố kinh tế xã hội như quy mô dân số, tổng sản phẩm quốc dân và chi tiêu cho y tế công cộng, địa lý, khí hậu và những nhân tố đa dạng sinh học như các loài chim, động vật có vú và độ phủ của rừng.
Những nhà nghiên cứu của Pháp, Malaysia, Singapore và Thái Lan cho biết sự gia tăng hoạt động của con người do sự phát triển kinh tế đã làm thay đổi môi trường một số khu vực gồm sử dụng đất, phân bố vật nuôi và động vật hoang dã cũng như sự gia tăng giao thương quốc tế.
Những thay đổi về tính đa dạng sinh học xảy ra do sự phân mảnh và xuống cấp của môi trường sống tự nhiên, đặc biệt là những khu vực rừng đã làm tăng sự gần gũi giữa động vật hoang dã với con người và vật nuôi, dẫn đến sự gia tăng nguy cơ đối với sức khỏe vì làm tăng khả năng lây truyền của những bệnh lây từ động vật sang người.
Nghiên cứu này cũng cho biết thêm là số lượng đợt bùng phát bệnh lây từ vật sang người tương quan thuận với số lượng các loài chim và động vật có vú đang bị đe dọa trong khi đó số lượng bùng phát những bệnh có vật chủ trung gian tương quan âm với độ phủ rừng, chứng tỏ vai trò to lớn của tính đa dạng sinh học trong việc ngăn ngừa sự lan tràn của các tác nhân gây bệnh.
Serge Morand, nhà khoa học về ký sinh trùng của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, tác giả chính của nghiên cứu này cho biết sự làm nghèo tính đa dạng sinh học thể hiện không chỉ trong sự giảm sút số lượng các loài mà còn trong sự phân mảnh và đơn giản hóa các vùng đất đã tạo lợi thế cho những loài thân cận con người (synanthrope) như chuột vốn là nguồn của những bệnh lây nhiễm như xoắn khuẩn, sốt phát ban nhiệt đới, sốt xuất huyết hantavirus; kể cả một số loài muỗi như muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản.
SciDev.Net, AsiaScientist