SpStinet - vwpChiTiet

 

Máy phát điện bằng sức người "thắp sáng" châu Phi

Với mục tiêu giúp người dân châu Phi tiếp cận với nguồn điện sạch và rẻ tiền thay cho loại đèn dầu vốn độc hại, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn và chi phí nhiên liệu tương đối mắc đối với các gia đình nghèo, Công ty năng lượng Nuru (Nuru Energy) ở Rwanda đã nghiên cứu và phát triển một loại máy phát điện bằng bàn đạp tên là Powercycle, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho các vùng nông thôn ở xa lưới điện.


Theo thống kê của Lighting Africa (tạm dịch là Thắp sáng châu Phi) - một chương trình do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thành lập nhằm thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng sạch trong chiếu sáng - có tới 589 triệu dân châu Phi hiện không có điện sử dụng. Trung bình, những cộng đồng ở xa lưới điện chi khoảng 4,4 tỉ USD mỗi năm để mua dầu đốt đèn, còn ở những khu vực có điện kéo đến thì các hộ gia đình và những doanh nghiệp nhỏ phải chi 10 tỉ USD cho việc thắp sáng. Do đó, Powercycle được xem là một giải pháp chiếu sáng vừa rẻ tiền, thân thiện với môi trường vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân ở các vùng nông thôn hẻo lánh.

Powercycle là máy phát điện sử dụng lực bàn chân hoặc tay để tác động lên bàn đạp và trong thời gian 20 phút vận hành có thể tạo năng lượng để sạc 5 bóng đèn LED, điện thoại di động hoặc máy radio. Công ty Nuru Energy cho biết mỗi bóng đèn LED có thể thắp sáng cho một ngôi nhà ở vùng nông thôn trong khoảng 1 tuần. Họ cũng khẳng định Powercycle là sản phẩm hợp túi tiền và đáng tin cậy hơn bất kỳ giải pháp chiếu sáng không lệ thuộc lưới điện nào được phát triển trong thời gian gần đây, chẳng hạn như bóng đèn hay các hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng Mặt trời. Nuru Energy gọi Powercycle là “Máy phát điện bằng bàn đạp được thương mại hóa đầu tiên trên thế giới”.

Sameer Hajee - Tổng giám đốc điều hành và cũng là người đồng sáng lập Nuru Energy - cho biết Powercycle ra đời trong bối cảnh họ cố tìm một nguồn năng lượng tại chỗ và không phụ thuộc vào lưới điện, và năng lượng con người chính là ý tưởng khả thi nhất trong hoàn cảnh của các vùng nông thôn châu Phi.

Được sự hỗ trợ tài chính từ WB, Nuru Energy đã tiến hành thử nghiệm hệ thống phát điện Powercycle do công ty chế tạo ở Rwanda vào năm 2009. Nhưng ông Hajee sau đó nhận thấy chỉ công nghệ tiên tiến như thế này vẫn chưa đủ để dự án của ông thành công tại những vùng đất như ở Rwanda. Công ty của Hajee cần phải tiếp nhận giải pháp mang tính sáng tạo trong lĩnh vực phân phối. Kết quả là Nuru Energy quyết định không bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng. Thay vào đó, họ thành lập một mạng lưới gồm các doanh nghiệp nhỏ ở cấp làng xã, những người sẽ chịu trách nhiệm tiếp thị, bán hàng và sạc điện các đèn LED cho khách hàng. Hajee cho rằng mô hình phân phối độc đáo trên đã cách mạng hóa cuộc sống của cả doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng.

Tổng giám đốc Hajee cho biết về phía khách hàng, họ sẽ mua đèn với giá 6 USD, sau đó trả thêm 20 xu mỗi tuần để sạc điện. So với mức chi phí 2 USD mỗi tuần để mua dầu lửa đốt đèn thì với Powercycle, người dân có thể tiết kiệm gấp 10 lần. Còn về phía doanh nghiệp, cứ mỗi 20 phút vận hành bàn đạp, họ có thể thắp sáng 5 bóng đèn và thu về 1 USD - hơn cả tiền công 1 ngày làm việc của phần đông dân số ở lục địa đen. Theo ông Hajee, điều đó chứng tỏ Powercycle làm lợi cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng và mô hình này có thể áp dụng dễ dàng ở khắp châu Phi. Ông còn tiết lộ Nuru Energy, hiện đang tập trung phát triển tại khu vực Đông Phi và Ấn Độ, đã được nhiều đối tác có tiềm năng đề nghị hợp tác để triển khai dự án đến các khu vực khác của lục địa đen.
 
Nguồn: Báo Cần Thơ

 
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả