Tại sao chim không bạc lông khi già?
Không giống như lông và tóc của người, lông của các loài chim không chuyển sang màu muối tiêu hay bạc trắng khi chúng già đi. Bí quyết của khả năng này được cho là có thể tạo nguồn cảm hứng cho sự ra đời của các loại sơn và vải vóc mới, không bị phai màu theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, thay vì sử dụng các chất sắc tố, chim đã thay đổi cấu trúc nano của các sợi lông, để chúng phản xạ ánh sáng theo những cách khác biệt. Điều này cho phép chim tạo ra các dạng phức tạp, thay đổi những cấu trúc dọc theo một sợi tơ lông, khiến nó trông như có nhiều màu sắc sặc sỡ.
Theo tạp chí Scientific Reports, các nhà nghiên cứu đã sử dụng những kỹ thuật X-quang tại cơ sở ESRF tại Pháp để xem xét các sợi lông của chim giẻ cùi. Họ phát hiện, các sợi lông chim chuyển màu từ cực tím sang xanh dương, rồi trắng. Chúng cấu tạo từ một chất sừng xốp.
Mặc dù lông/tóc và móng tay của con người cũng có cấu tạo từ cùng chất sừng trên, nhưng các sợi lông của chim giẻ cùi sở hữu một cấu trúc khác biệt. Bằng cách kiểm soát kích cỡ các lỗ trong cấu trúc giống bọt biển, nhóm nghiên cứu có thể kiểm soát màu sắc của ánh sáng phản xạ.
Các lỗ lớn hơn đồng nghĩa với một băng thông ánh sáng lớn hơn được phản xạ, tạo ra màu trắng. Tuy nhiên, các lỗ nhỏ hơn đồng nghĩa bước sóng ánh sáng thấp hơn được phản xạ, dẫn đến màu xanh dương.
Cấu trúc của một sợi tơ của lông có thể được thay đổi theo chiều dài của sợi lông, tạo ra nhều màu sắc óng ánh. Ảnh: Daily Mail
Dọc một sợi tơ của lông, cấu trúc này có thể thay đổi, cho phép các sợi lông bộc lộ nhiều màu sắc và các dạng mẫu phức tạp không quan sát được trong sợi tóc người. Khi cấu trúc này vẫn còn nguyên vẹn suốt cuộc đời của chim, chúng sẽ không bao giờ bị bạc lông theo tuổi tác. Ngược lại, ở tóc người, các chất sắc tố tạo nên màu cho tóc, dần dần bị mất mát và khiến tóc biến thành màu muối tiêu hoặc bạc trắng.
TS. Adam Washington, nhà vật lý đến từ Đại học Sheffield (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết thêm: "Nghiên cứu cũng trả lời cho câu hỏi hóc búa lâu nay về việc tại sao màu xanh lục cấu trúc không óng ánh lại hiếm có trong tự nhiên. Điều này là vì, để tạo ra màu xanh lục cần có một bước sóng hẹp và rất phức tạp, thứ rất khó tạo ra thông qua việc thao túng các cấu trúc xốp có thể điều hướng được này. Do đó, cách vượt qua vấn đề này và tạo ra màu xanh lục (màu ngụy trang) của tự nhiên là hòa trộn màu xanh dương cấu trúc giống như của chim giẻ cùi với một chất sắc tố vàng hấp thụ một phần màu xanh dương".
Ông Washington và các cộng sự kỳ vọng, khám phá trên có thể mở đường cho sự ra đời của của các loại vật liệu và lớp phủ cực bền màu nhân tạo trong tương lai, chẳng hạn như các loại sơn và vải vóc mới không bị phai hay bạc màu theo thời gian.
Nguồn: vietnamnet.vn