Thế giới năm 2050 sẽ ra sao?
12/02/2015
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Trang mạng báo Newsweek mới đây đăng bài “Hãy quên năm 2015 đi – Năm 2050 mới đáng để dự báo”. Bài báo viết "Chính phủ Mỹ và các cơ quan nghiên cứu đã chọn năm 2050 là năm để dự báo. Kết quả dự báo cho thấy thế giới năm đó khác xa thế giới chúng ta đang sống hiện nay".
1. Số dân tăng mạnh
Thế giới hiện nay có khoảng 7 tỷ người; Liên Hợp Quốc dự báo năm 2050 sẽ có gần 9,6 tỷ người, tức tăng 30%, tương đương Trái đất có thêm một Ấn Độ và một Trung Quốc. Hiện nay chúng ta có nhiều việc cần làm như cung cấp phương tiện hạn chế sinh đẻ cho bất cứ người nào có nhu cầu trên khắp thế giới.
2. Tiến sang xã hội già hóa
Cùng với sự tăng tuổi thọ và hạ tỷ suất sinh đẻ, số người già sẽ tăng mạnh vào giữa thế kỷ này. Dự báo đến năm 2050, trên thế giới cứ sáu người thì sẽ có một người ngoài 65 tuổi. Chính phủ các nước đang vắt óc tìm cách chăm sóc số người già này. Cùng với xã hội già hóa, sẽ xuất hiện nhiều loại bệnh tật của người già.
May mắn là đến năm 2050, ngành y dược cũng sẽ có tiến bộ lớn, làm được nhiều loại vaccine ngừa các bệnh như sốt rét, HIV và phân phối rộng rãi các loại vaccine này.
3. Máy tính sẽ mạnh gấp 1.000 lần và rẻ hơn nhiều
Theo Ulrich Eberl, tác giả cuốn Đời sống năm 2050, hiện nay chúng ta nên tạo dựng tương lai như thế nào (xuất bản năm 2011), trong khoảng 25 năm qua, công nghệ thông tin đã phát triển gấp gần 1.000 lần, và ông dự tính, trong 25 năm tới, sự phát triển đó sẽ được lặp lại.
“Đến lúc ấy những loại máy tính mạnh gấp 1.000 lần về năng lực tính toán và tốc độ truyền số liệu sẽ chỉ có giá cả như hiện nay,” Elberl nói khi trả lời phỏng vấn của tờ Newsweek, “Nếu hiện nay chúng ta bỏ ra 500 USD mua một chiếc laptop thì khi ấy một con chip có cùng tính năng sẽ chỉ giá 50 xu mà thôi.”
4. Cần nghiêm chỉnh xem xét vấn đề thu hồi
Elberl nói phần lớn các sáng tạo về công nghệ máy tính được thực hiện xong trước năm 2035. Đến năm 2050, tốc độ đổi mới công nghệ sẽ chậm lại. Lúc ấy vấn đề tài nguyên trên Trái đất với 9,6 tỷ người sẽ trở nên hết sức căng thẳng.
Elberl tin rằng tình hình đó sẽ thúc đẩy sự phát triển “lành mạnh toàn diện” của xã hội – tức mối quan hệ tương tác giữa sự lành mạnh của loài người với sự lành mạnh của môi trường.
Tại những quốc gia mà số người thuộc tầng lớp trung lưu tăng liên tục như Trung Quốc, Brazil, Nga và Ấn Độ sẽ có thêm rất nhiều người tiêu dùng và xuất hiện những “nhu cầu cực lớn” về kim loại đồng, về dầu mỏ và những nguyên vật liệu hữu hạn khác. “Chúng ta không có đủ nguồn tài nguyên để cung cấp cho 9,6 tỷ người ngày càng giàu lên. Vì thế cần có phương thức thu hồi mới, tức tái sử dụng phân tử,” Elberl nói.
5. Năng lượng Mặt trời sẽ là nguồn năng lượng lớn nhất trên thế giới
Hiện nay giá thành chuyển hóa năng lượng mặt trời đang ngày càng hạ thấp. Thống kê của nguyệt san Mother Jones cho thấy năm 1972, giá thành chuyển hóa mỗi một watt năng lượng mặt trời là 75 USD, nhưng hiện nay chỉ còn 1 USD, hơn nữa giá thành các sản phẩm liên quan cũng đang hạ thấp. Theo nghiên cứu mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, đến năm 2050, năng lượng mặt trời có thể cung cấp 27% tổng nhu cầu năng lượng toàn thế giới cần dùng, nghĩa là điện mặt trời trở thành nguồn điện lớn nhất toàn thế giới.
6. Nếu không giải quyết hợp lý thì chúng ta sẽ có thể thiếu lương thực
Năm ngoái Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc FAO cho biết để nuôi nổi 9 tỷ người vào năm 2050, sản lượng lương thực toàn thế giới khi ấy cần tăng 60% so với hiện nay. Nếu không, có thể xảy ra tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, từ đó dẫn đến xáo trộn xã hội, xung đột và nội chiến. Để so sánh, nên nhớ rằng trong 20 năm qua, sản lượng lúa mỳ và gạo chỉ tăng chưa đầy 1%.
Nhưng ông Kostas Stamoulis, Giám đốc Ban Kinh tế Phát triển Nông nghiệp của FAO vẫn tỏ ra lạc quan. Ông nói, những phương pháp như luân canh “hai vụ” và “ba vụ” hiện đang áp dụng tại Ấn Độ và Trung Quốc đã thu được kết quả đáng mừng. Vấn đề hiện nay là làm thế nào đưa công nghệ trồng trọt đến tay người cần dùng.
“Tương lai của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn trước đây, tôi rất lạc quan. Thế giới mà ta đang sống có khả năng ứng phó với mọi vấn đề,” Stamoulis nói.
Nguồn: Tạp chí Tia sáng