Kiếm sống
“Tiệm nước” là một kiểu buôn bán đặc trưng và phổ biến của người Hoa ở miền Nam nước ta trước kia, nay thi thoảng vẫn còn bắt gặp. Đó là một quán nhỏ bán cà phê, kèm món lót dạ nhẹ cho buổi sáng như bánh tiêu, quẩy hay bánh bao... Những người Hoa di cư đến Singapore ngày xưa cũng có kiểu buôn bán tương tự. Loi Ah Koon khi mới 15 tuổi đã từ Trung Quốc đến Singapore định cư vào 1926, vài năm sau đó đã mở ra tiệm bán cà phê, bánh mì nướng và trứng ở khu vực Telok Ayer Basin, trung tâm thành phố Singapore. Quán cà phê nhỏ này đã được đăng ký kinh doanh chính thức vào năm 1944 với tên gọi “Ya Kun Coffeestall”, Ya Kun chính là Ah Koon theo cách sử dụng chữ cái Latinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc.
Công việc làm ăn của gia đình Loi Ah Koon phất lên từ năm 1936 khi nghiên cứu đưa hai món mới vào thực đơn: bánh mì nướng kaya, kaya là loại hỗn hợp có dừa và trứng do vợ của Loi Ah Koon sáng chế; và cà phê hương vị thơm ngon đặc biệt nhờ sử dụng hỗn hợp của nhiều loại hạt cà phê theo công thức riêng, được rang bằng củi, có thêm vào bơ Planta, loại bơ thực vật nổi tiếng của Singapore. Sau hơn nửa thế kỷ kinh doanh và vài lần thay đổi địa điểm, đến năm 1998, tiệm nước Ya Kun chuyển đến địa điểm hiện tại ở Far East Square, khu trung tâm thương mại của Singapore. Không lâu sau đó, Loi Ah Koon qua đời và tiệm cà phê Ya Kun được các thế hệ tiếp theo của ông duy trì và phát triển.
Cà phê và bánh mì nướng kaya của Ya Kun đã trở thành bữa sáng tinh túy cho người dân địa phương và người nước ngoài ở Singapore. Theo Adrin Loi, con trai út của Loi Ah Koon, chất lượng sản phẩm rất quan trọng để giữ chân khách hàng, nhưng quan trọng không kém là mối quan hệ với khách hàng mà cha ông đã xây dựng từ lúc mới khởi nghiệp đã giữ chân nhiều thực khách và phát triển thêm khách hàng mới.
Tạo dựng tài sản trí tuệ
Adrin Loi tiếp quản cơ ngơi gia đình sau khi người cha qua đời. Lúc đó, dù thương hiệu Ya Kun đã nổi tiếng và có lượng khách trung thành nhất định, nhưng cách kinh doanh của Ya Kun vẫn theo kiểu truyền thống gia đình, mô hình kinh doanh đơn giản, các sản phẩm đơn điệu và thiếu chuyên môn về quản lý kinh doanh hiện đại, do đó hoạt động kinh doanh không có nhiều động lực để thay đổi cũng như tăng trưởng và phải đối mặt với khó khăn khi tìm cách mở rộng kinh doanh.
Adrin Loi đã dành thời gian đáng kể để tìm cách phát triển kinh doanh, nhưng điều này khá khó khăn khi nguồn tài chính hạn chế, và ông nhận ra tài sản trí tuệ (IP- Intellectual Property) có thể tạo ra cơ hội cũng như giúp phát triển công việc kinh doanh của gia đình. Xem xét cẩn thận hiện trạng hoạt động kinh doanh, Adrin Loi thấy rằng mình đã sở hữu một danh mục IP mà cha ông đã xây dựng, đó là lòng tin, sự trung thành của khách hàng và sự công nhận của thị trường đối với thương hiệu Ya Kun. Từ đó, ông xem xét cách thức để xác lập quyền sở hữu cũng như khai thác IP để làm nền tảng phát triển hoạt động kinh doanh của Ya Kun.
Năm 2000, Adrin Loi dựa vào các nhà tư vấn để xây dựng chiến lược quản lý IP và nhượng quyền thương mại (franchising). Trước tiên là thực hiện xác lập quyền sở hữu IP cho các nhãn hiệu, bản quyền và những IP tạo ra trong quá trình kinh doanh. Phải xác lập quyền sở hữu IP trước khi ký kết các thỏa thuận nhượng quyền để đảm bảo không phải đối mặt với các vấn đề pháp lý liên quan đến IP có thể phát sinh trong quá trình kinh doanh, nhất là đối với các thị trường mới, thị trường nước ngoài. Ngay trong năm 2000 tiệm cà phê Ya Kun được đặt tên là Ya Kun (S) Pte. Ltd., và Ya Kun International Pte. Ltd. (Ya Kun International) ra đời năm 2001 để quản lý và phát triển hệ thống nhượng quyền Ya Kun ra nước ngoài.
Thông qua hệ thống sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế, Ya Kun đã nộp hơn 15 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (Trademark) tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS - Intellectual Property Office of Singapore), trong đó có các nhãn hiệu “Ya Kun”, “Toastwich”, và khẩu hiệu quảng cáo “Ya Kun Kaya Toast Coffee Stall Since 1944”…, đồng thời cũng nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo hệ thống Madrid. Ngoài ra, chi tiết quan trọng không thể thiếu tại các địa điểm kinh doanh của Ya Kun là đều có poster lược tả lịch sử và những hình ảnh gợi nhớ khung cảnh quán cà phê Ya Kun ngày xưa ở Singapore. Những poster này và tất cả các hướng dẫn, tài liệu khác được sử dụng trong hệ thống nhượng quyền của Ya Kun đều được bảo vệ thông qua bản quyền. Thêm vào đó, chìa khóa trong chiến lược IP của Ya Kun là bảo vệ bí mật thương mại, bí quyết (know how) trong công thức kaya và cà phê Ya Kun được gia đình bảo vệ chặt chẽ, chỉ được sản xuất bởi các thành viên trong gia đình tại một cơ sở riêng biệt, mọi người trong gia đình làm việc chăm chỉ để đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường và bảo mật công thức không bị tiết lộ ra ngoài.
Nhờ vào sản phẩm riêng biệt, chất lượng và giàu truyền thống của doanh nghiệp gia đình cộng với các giá trị từ thương hiệu, bản quyền và bí mật thương mại đã giúp Ya Kun nổi tiếng và trở thành thương hiệu nhượng quyền vươn tầm quốc tế.
Nhượng quyền thương mại
Trước khi bắt đầu triển khai chương trình nhượng quyền vào năm 2001, lãnh đạo của Ya Kun International tập trung xây dựng hình ảnh để thu hút khách hàng, các cửa hàng được xây dựng tiện nghi, hiện đại và trang trí theo hướng hoài niệm về cội nguồn; sản phẩm có giá cả phải chăng, đáp ứng thị hiếu khách hàng mà không trùng lặp với nhiều cửa hàng cà phê nhượng quyền theo phong cách phương Tây.
Cửa hàng nhượng quyền cà phê Ya Kun đầu tiên được mở tại Robinson Point, khu thương mại trung tâm của Singapore vào tháng 9/2001. Việc nhượng quyền lần đầu tiên này giúp Ya Kun có kinh nghiệm để cải thiện mô hình nhượng quyền, sau đó đã nhanh chóng mở rộng khắp Singapore và thị trường nước ngoài. Bên nhận nhượng quyền được quyền: sử dụng thương hiệu và bản sắc đặc biệt của Ya Kun; được hướng dẫn vận hành cửa hàng; hỗ trợ và đào tạo liên tục, ví dụ như đánh giá kinh doanh, tiếp thị, nghiên cứu thị trường…; cung cấp ổn định các sản phẩm chính thức của Ya Kun; chuyển giao và trao đổi ý tưởng mới, ví dụ như cải tiến hệ thống kinh doanh, phát triển sản phẩm, hỗ trợ tiếp thị và quảng cáo.
Đang gặt hái thành công thì Ya Kun quyết định dừng nhượng quyền ở Singapore năm 2004. Ya Kun đã ký thỏa thuận nhượng quyền với các nhà đầu tư ở Indonesia (năm 2003), Đài Loan và Hàn Quốc (năm 2005), Nhật Bản (năm 2007), hệ thống nhượng quyền Ya Kun dù nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư từ Malaysia, Hồng Kông, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Úc, nhưng Ya Kun chưa vội kết nối mối quan hệ nhượng quyền tại các thị trường này vì cẩn trọng lựa chọn đối tác nhượng quyền phù hợp để đảm bảo khả năng thành công. Khi được hỏi về cách lựa chọn nơi để nhượng quyền thương mại, Jesher Loi, thế hệ thứ ba của nhà Ya Kun, hiện là giám đốc phát triển thị trường và nhãn hàng của Ya Kun International cho biết: “Không có lựa chọn quốc gia đúng, chỉ là chọn đúng thời điểm", và "Mặc dù chúng tôi đã mở rộng ra rất nhiều địa điểm ở nước ngoài, nhưng mọi cửa hàng đều hoạt động theo cách vẫn có thể nhận ra là của người Singapore".
Hoạt động nhượng quyền mang lại khoảng 20% lợi nhuận ròng trước thuế sau bốn năm triển khai, đến năm 2007, con số này đạt gần 30%. Đến nay, Ya Kun đã có hệ thống nhượng quyền với hơn 100 cửa hàng tại Singapore, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia và Myanmar. Ya Kun, doanh nghiệp gia đình cha truyền con nối, được con cháu vun đắp phát triển vững mạnh và kinh doanh vượt biên giới nhưng vẫn giữ được truyền thống. Ya Kun giờ là thương hiệu gắn bó với xứ sở và là biểu tượng văn hóa của Singapore, một thương hiệu nổi tiếng quốc tế mà người dân Singapore có thể tự hào.
Một cửa hàng nhượng quyền thương mại của Ya Kun (Ảnh: Alan Chan)
Áp phích của Ya Kun có bản quyền tại các cửa hàng. (Ảnh: Bernard Oh)
Anh Vũ (CESTI)